Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 5-8, ông Đồng Văn Liệt, chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, cho biết ông đang cùng một phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu và giám đốc Sở Giao thông vận tải trực tiếp kiểm tra tại hiện trường để khắc phục sự cố sạt lở trên tỉnh lộ 128.
Theo đó, vào sáng sớm nay, tại km40+800 đường tỉnh lộ 128 đoạn qua xã Hồng Thu (huyện Sìn Hồ) bị sạt lở, sụt lún ở ta luy âm, một đoạn đường khoảng 30m bị sụt lún.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, sụt lún, lực lượng chức năng huyện Sìn Hồ đã lập hai chốt, không cho các phương tiện giao thông qua lại để đảm bảo an toàn.
Tuyến đường giao thông gần nhất từ TP Lai Châu đi huyện Sìn Hồ bị chia cắt.
Ông Hà Trọng Hải, phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cho biết trong lúc chờ các phương án khắc phục sự cố, tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo, phân luồng giao thông. Các phương tiện sẽ phải di chuyển theo đường khác để lên trung tâm huyện Sìn Hồ.
Còn tại Hòa Bình, mưa tích lũy trong nhiều ngày làm độ ẩm trong đất bão hòa, xuất hiện nhiều điểm sạt lở gây ảnh hưởng tới giao thông.
Khoảng 8h, tại km146, quốc lộ 6, thuộc xã Đồng Tân, huyện Mai Châu, đất đá từ trên đồi sạt xuống đường. Cách vị trí trên khoảng 20km, tại đường liên xã Hang Kia, một tảng đá lớn cũng lăn từ trên núi xuống chắn ngang đường.
Hay tại tuyến đường 446, khu vực ngầm Bãi Nai thuộc xã Mông Hóa, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình bị ngập, không đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua lại.
Lực lượng cảnh sát giao thông Hòa Bình cùng công an huyện, xã và chính quyền địa phương đã tổ chức khắc phục, ứng trực, phân luồng, cảnh báo phương tiện.
Tại Điện Biên, km421 quốc lộ 6 (đoạn qua xã Mương Mùn, huyện Tuần Giáo) hai bên đường bị sạt lở làm giao thông đi lại gặp khó khăn.
Tại km 3+600 quốc lộ 4H thuộc huyện Mường Chà sáng nay cũng sạt lở, ô tô không đi được. Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Điện Biên đang phối hợp Công ty đường bộ 2 khắc phục sự cố.
Ngày 5-8, Bộ Công an cũng có công điện gửi các đơn vị và công an các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên yêu cầu làm tốt công tác 4 tại chỗ, huy động lực lượng, phương tiện của công an địa phương, công an xã và các đơn vị của bộ đứng chân trên địa bàn tổ chức cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng tại cơ sở để chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường, hầm mỏ để chủ động sơ tán, di dời.
Hướng dẫn giao thông, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu, nước chảy xiết, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Tham mưu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.
Đồng thời kiểm tra, giám sát việc khai thác cát, sỏi trên sông, kênh, rạch để hạn chế xảy ra sạt lở, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng trái phép.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn dân cư, an toàn hồ đập, sạt lở, sụt lún đất ở Tây Nguyên, nhất là Lâm Đồng, Đắk Nông.