Luật sư tư vấn
Căn cứ Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội nhận hối lộ (khung hình phạt thấp nhất là từ 2 đến 7 năm tù):
- Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội về tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Lợi ích phi vật chất.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
- Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá một tỷ đồng trở lên.
- Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.
Trường hợp người phạm tội nộp lại một phần hoặc toàn bộ số tiền nhận hối lộ cho Nhà nước sẽ được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Đồng thời, theo điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự, người bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ và tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không bị thi hành án tử hình (được chuyển thành hình phạt tù chung thân).
Ngoài ra, nhà chức trách không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu họ là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM
Xem thêm: lmth.3567364-hnih-ut-tahp-ib-es-neit-ueihn-oab-ol-ioh-nahn/ten.sserpxenv