Ông Bryan Clark, một thành viên cao cấp tại Viện Hudson - tổ chức tư vấn của Mỹ, mới đây nhận định với Đài BBC News rằng khả năng tác chiến điện tử của Nga đã được cải thiện đáng kể trong cuộc xung đột với Ukraine, gây khó khăn cho vũ khí của Mỹ và phương Tây.
Ông Clark nói Nga đang triển khai hàng trăm đơn vị tác chiến điện tử nhỏ, di động dọc theo tiền tuyến. Trước đây, Nga dựa vào các đơn vị lớn, cồng kềnh, có thể dễ dàng trở thành mục tiêu bị đánh phá.
Tuy nhiên, các công nghệ hiện có của Nga có thể gây nhiễu tọa độ GPS của tên lửa, vô hiệu hóa máy bay không người lái của Ukraine và chặn các tín hiệu radar của Nga mà Ukraine lợi dụng để xác định mục tiêu tấn công.
Hệ thống gây nhiễu R-330Zh Zhitel của Nga có thể triệt tiêu tín hiệu vệ tinh.
Ông Clark giải thích cụ thể: “Zhitel có thể gây nhiễu tín hiệu GPS trong phạm vi 30km. Còn đối với những vũ khí như bom JDAM vốn chỉ sử dụng một máy GPS để dẫn đường đến mục tiêu, hệ thống Zhitel dễ dàng làm nó đi chệch mục tiêu".
Theo Business Insider, bom JDAM là một trong những loại vũ khí Mỹ đã cung cấp cho Ukraine và có thể được phóng bằng máy bay để tấn công các mục tiêu cách xa tới 72km. Giống như nhiều tên lửa tầm xa, chúng dựa vào tọa độ GPS để tiếp cận mục tiêu.
Chúng có tầm bắn lớn hơn các tên lửa tầm xa HIMARS mà Ukraine đã sử dụng để đẩy lùi lực lượng Nga trong một cuộc phản công vào năm 2022, báo The Defense Post của Mỹ đưa tin.
Bom JDAM cũng là một trong những vũ khí mà Mỹ và các đồng minh phương Tây của Ukraine hy vọng có thể giúp Ukraine trong cuộc phản công mới nhằm đẩy lùi quân Nga.
Hệ thống phòng thủ của Nga đã chứng tỏ khả năng chống chịu tốt trước các loại vũ khí do phương Tây cung cấp. Các xe tăng phương Tây hầu như không hiệu quả trước những bãi mìn khổng lồ mà Nga đã tạo ra để bảo vệ các vị trí của mình ở phía nam và phía đông Ukraine.
Các chiến thuật tấn công của phương Tây cho đến nay vẫn chưa đảm bảo cho Ukraine một bước đột phá quyết định.
Đài BBC đưa tin Ukraine đang tìm cách loại bỏ các đơn vị tác chiến điện tử của Nga trước khi nước này tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Các nước châu Âu đưa ra nhiều cam kết về hỗ trợ quân sự với Ukraine dù nền công nghiệp quân sự của họ khó lòng đảm bảo tiến độ sản xuất.