Thấp thỏm lo mất nhà
Tháng 5.2012, vợ chồng anh Nguyễn Minh Tuấn (trú tại tầng 31 tòa CT6C) dồn hết tiền tiết kiệm, vay mượn khắp nơi, gom cho đủ hơn 1 tỉ đồng để mua căn hộ rộng 61 m2 tại dự án CT6 Kiến Hưng (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) của ông Lê Thanh Thản. Sau bao năm tích cóp, ước mơ có được một căn nhà tại thủ đô của gia đình anh Tuấn dần thành hiện thực.
“Thời điểm ấy, giá nhà ở đây rẻ hơn một chút so với khu vực, với người làm lương ba cọc ba đồng như vợ chồng tôi, đây là cả cơ hội. Mặc dù không được tiếp cận hồ sơ pháp lý, nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng lời quảng cáo từ chủ đầu tư, tin vào sự quản lý từ cơ quan chức năng sẽ không thể có sai phạm”, anh Tuấn nói về lý do quyết định mua nhà.
Nhận bàn giao căn hộ, anh Tuấn đinh ninh vài tháng sau sẽ được cấp “sổ đỏ”, thế nhưng chờ mãi vẫn không thấy chủ đầu tư thông báo hoặc hướng dẫn thủ tục gì. Năm 2014, vì quá sốt ruột, anh Tuấn chủ động mang hồ sơ lên Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội. Đến hẹn trả hồ sơ, văn phòng thông báo căn hộ của anh không thể cấp sổ vì xây dựng sai quy hoạch. Lúc này, anh mới biết sự thật, vô cùng suy sụp.
Đằng đẵng 11 năm, dù phải bỏ ra cả tỉ đồng nhưng gia đình anh Tuấn vẫn phải sống trong cảnh “nhà không sổ”. Vợ chồng luôn trong tâm trạng lo lắng, bất an, bởi số phận khối tài sản lớn nhất của gia đình không biết sẽ bị định đoạt ra sao.
“Khi mua nhà tôi phải vay, đến hạn trả nhưng chưa đủ tiền nên phải vay quay vòng, nhưng vì không có “sổ đỏ” nên ngân hàng rất kén chọn, cho vay hạn mức thấp, lãi suất cao. Rồi khi sinh bé thứ hai, khó khăn nên tôi tiếp tục đi vay, lần này không ngân hàng nào phê duyệt”, anh Tuấn kể.
Một thiệt hại nữa, đó là giá trị căn hộ tại CT6C bị giảm đi rất nhiều so với căn hộ tại dự án khác trong cùng khu vực. “Lúc mua, số tiền chúng tôi bỏ ra là tương đương, nay giá căn hộ ở đây chỉ bằng một nửa so với dự án khác đầy đủ pháp lý, thậm chí muốn bán cũng rất ít người muốn mua”, anh Tuấn nói.
Khổ trăm đường
Là một trong những cư dân đầu tiên chuyển về sinh sống tại tòa CT6C, anh Phạm Ngọc Tráng (trú tại tầng 20), cho biết trong hợp đồng mua bán, chủ đầu tư cam kết với khách hàng sẽ làm thủ tục cấp “sổ đỏ”, nên anh rất yên tâm khi xuống tiền. Nhưng giống hàng trăm hộ khác, anh Tráng chờ mãi vẫn không thấy, tìm hiểu thì mới biết do tòa nhà xây sai quy hoạch nên không thể cấp sổ.
“Chúng tôi đã rất nhiều lần gửi đơn kêu cứu, kiến nghị tới Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc, Sở TN-MT… nhưng đều không có kết quả”, anh Tráng kể trong sự thất vọng.
Người này còn cho biết, ngoài vấn đề không được cấp “sổ đỏ”, do xây dựng không đúng thiết kế ban đầu, nhiều tiện ích lẽ ra cư dân được hưởng thì nay đều là con số không. Ví dụ, khu chung cư chỉ có 1 tầng hầm thay vì 2 tầng hầm, khiến cư dân không đủ chỗ gửi phương tiện, diện tích xây nhà trẻ biến mất để thay thế bằng nhà thương mại… “Chúng tôi bỏ tiền để mua quyền lợi và tiện ích lẽ ra phải được hưởng, nhưng hơn 10 năm nay phải rồng rắn đi đòi, thiệt hại cả về vật chất và tinh thần”, anh Tráng nói.
Trường hợp khác là anh Đặng Công Bân (trú tại tầng 21 tòa CT6C), mua lại căn hộ vào năm 2020. Sau khi vào ở, anh Bân nhiều lần tới trụ sở cơ quan công an để làm thủ tục đăng ký thường trú nhưng đều bị từ chối với lý do tòa nhà CT6C xây sai quy hoạch, không được cấp “sổ đỏ”.
Vì lẽ trên, gia đình anh Bân chỉ có thể đăng ký tạm trú, đến nay đã hơn 3 năm chuyển về sinh sống tại Q.Hà Đông nhưng địa chỉ thường trú vẫn ở nơi cũ là Q.Đống Đa. “Khổ nhất là chuyện con cái phải học trái tuyến, thiệt thòi và bất tiện đủ đường. Tôi bỏ tiền ra mua nhà bằng thật, nhưng quyền lợi thì không thấy đâu”, anh Bân chia sẻ.
Vẫn theo người đàn ông, nỗi khổ của cư dân nơi đây còn đến từ việc không dám sửa chữa, nâng cấp gì, dù nhiều hạng mục trong căn hộ đã xuống cấp. “Lỡ mai đây nhà bị đập bỏ thì lấy ai trả cho mình tiền sửa chữa”, anh Bân giải thích, và nói rằng cả trăm hộ dân cứ như vậy mà sống trong bất an, không biết có bị mất nhà hay không.
Anh Nguyễn Minh Tuấn nói rằng dù phải bỏ cả tỉ đồng để mua căn hộ nhưng hơn 11 năm qua gia đình phải chịu nhiều thiệt thòi do không được cấp "sổ đỏ"
TUYẾN PHAN
“Quýt làm cam chịu”
Mới đây, hơn 200 hộ dân tại tòa CT6C đã có đơn kêu cứu trước ngày diễn ra phiên tòa xét xử “đại gia” Lê Thanh Thản. Họ bày tỏ 3 nguyện vọng, mong được giải quyết thỏa đáng.
Thứ nhất, cơ quan chức năng cấp "sổ đỏ" cho các căn hộ tại tòa nhà CT6C thuộc dự án CT6 Kiến Hưng, để người dân có thể sinh sống ổn định, lâu dài. Thứ hai, trong trường hợp các căn hộ không được cấp "sổ đỏ", bị cáo Lê Thanh Thản và Công ty Bemes phải liên đới bồi thường thỏa đáng cho người dân, để khắc phục hậu quả do hành vi sai phạm gây ra. Thứ ba, không tách yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người dân thành vụ án dân sự riêng mà cần giải quyết triệt để luôn ở vụ án hình sự này.
Nhiều cư dân cho hay, họ rơi vào cảnh “quýt làm cam chịu”, bị mắc kẹt giữa 2 luồng sai phạm, một bên là chủ đầu tư, một bên là chính quyền cơ sở. Hành vi lừa dối khách hàng của ông Lê Thanh Thản thì đã rõ, nhưng để sự lừa dối ấy diễn ra trong suốt thời gian dài không bị phát hiện và xử lý kịp thời, trách nhiệm của cơ quan quản lý là rất lớn. Sai phạm do 2 phía gây ra, hậu quả thì cư dân phải gánh chịu.
Ông Nguyễn Trọng Tuệ (trú tại tầng 8 tòa CT6C) nói rằng phiên tòa xét xử ông Thản đã được cư dân mong mỏi, chờ đợi hàng chục năm nay. Nhưng đọc bản cáo trạng, họ rất hoang mang vì chỉ thấy đề cập xử lý hành vi của ông Lê Thanh Thản và không đưa ra hướng giải quyết quyền lợi cho người mua nhà.
Theo người này, phần lớn cư dân mua nhà tại dự án CT6 Kiến Hưng có điều kiện kinh tế eo hẹp, phải vay mượn, tích cóp nhiều năm mới đủ. Mong muốn lớn nhất của họ là được cấp "sổ đỏ" cho các căn hộ đã mua để tiếp tục sinh sống ổn định. Nếu không được cấp sổ, Công ty Bemes và ông Lê Thanh Thản phải bồi thường thỏa đáng cho người dân, nghĩa là tương ứng với giá trị căn hộ tại thời điểm hiện nay chứ không thể chỉ trả lại số tiền khi cư dân bỏ ra mua căn hộ.
Đồng tiền trượt giá, thị trường bất động sản lại không ngừng tăng những năm qua, cư dân lo rằng nếu chỉ được trả lại số tiền tại thời điểm mua nhà, họ sẽ không thể mua được một căn nhà mới. Vì vậy, họ đề nghị được bồi thường bằng một căn hộ khác tương đương về diện tích, vị trí; hoặc số tiền tương ứng.
Các cư dân CT6C còn muốn được giải quyết bồi thường ngay trong vụ án này, thay vì tách ra một vụ án dân sự khác như đề nghị của viện kiểm sát. Bởi lẽ, nếu tách như vậy thì không biết đến bao giờ họ mới đòi được quyền lợi.
Trước ngày xét xử 'đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản, hàng trăm hộ dân kêu cứu
Ông Lê Thanh Thản lừa dối khách hàng thế nào?
Theo cáo buộc của Viện KSND TP.Hà Nội, quá trình xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng, ông Lê Thanh Thản tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng vi phạm nghiêm trọng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đó, khối nhà cao tầng tăng diện tích xây dựng, tăng chiều cao công trình, thay đổi công năng sử dụng, tăng căn hộ. Đặc biệt, ông Thản chỉ đạo xây thêm hẳn một tòa nhà, là tòa CT6C, không nằm trong quy hoạch được duyệt. Sai phạm còn xảy ra với cả khu nhà thấp tầng, thông qua việc tăng diện tích đất được xây dựng và số căn, vi phạm chỉ giới đường đỏ.
Từ tháng 3.2011, trước thời điểm dự án hoàn thành, ông Lê Thanh Thản đã cho quảng cáo gian dối về tính pháp lý của dự án. Ví dụ: dự án đã được phê duyệt, thiết kế căn hộ và thiết kế công trình tuân thủ các quy định về xây dựng, giá bán căn hộ đã bao gồm giá trị quyền sử dụng đất...
Tin tưởng thông tin phía chủ đầu tư đưa ra, nhiều khách hàng tin tưởng, mua các căn hộ của dự án CT6 Kiến Hưng mà không hề biết các sai phạm phía sau. Kết quả điều tra cho thấy, ông Thản đã bán được 488 căn hộ cho 488 khách hàng. Toàn bộ những căn hộ này không được cấp "sổ đỏ".
Sai phạm diễn ra trong thời gian dài nhưng dàn lãnh đạo, cán bộ của chính quyền cơ sở, cụ thể là UBND P.Kiến Hưng và Thanh tra xây dựng Q.Hà Đông lại không thanh tra, kiểm tra hoặc phát hiện. Vì vậy, ngoài ông Thản bị truy tố tội lừa dối khách hàng, 6 cựu cán bộ cũng bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.