Như Thanh Niên đã đề cập, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ TP.HCM), cho biết qua rà soát, TP.HCM có 6 quận nằm trong diện "sắp xếp đơn vị hành chính" căn cứ theo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Ngoài ra, trong 3 năm tới TP.HCM cũng có 142 đơn vị cấp xã thuộc diện phải sắp xếp lại để đáp ứng các tiêu chuẩn chung.
Các tiêu chuẩn này được Chính phủ ban hành theo Nghị quyết 117/2023 về kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, căn cứ từ Nghị quyết 35/2023 do Quốc hội ban hành.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết Sở đang phối hợp rà soát, xây dựng phương án để tham mưu UBND TP.HCM kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính. "Dự kiến đề án sẽ được trình UBND TP.HCM trước ngày 31.10", ông Nhân cho biết.
Sắp xếp sao cho tiện lợi
Mặc dù đề án tham mưu vẫn chưa được trình UBND TP.HCM, nhưng đa số bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên đều đồng ý rằng việc tách, nhập các đơn vị hành chính là hoạt động quản lý thông thường, sẽ được áp dụng tùy vào tình hình thực tế, trong từng giai đoạn cụ thể. BĐ Thomas Huynh nêu ý kiến: "Sáp nhập hay tách rời đó là chuyện của các cấp quản lý. Tuy nhiên, qua những lần thay đổi tương tự, sự xáo trộn trong cuộc sống người dân là không nhỏ. Vì thế rất cần sự suy xét và chuẩn bị thật chu đáo để đảm bảo lợi ích của người dân mới là mục tiêu của sự thay đổi này". BĐ Lê Đức Đồng chỉ ra ngay những xáo trộn trước mắt: "Xáo trộn rất nhiều vì biết bao giấy tờ, hồ sơ phải làm lại cho khớp. Nào nhà đất, nào giấy khai sinh, nào căn cước, ngay cả học bạ ở trường của con cái cũng phải đổi, rồi giấy tờ, bảng hiệu của các cơ quan nhà nước...".
Tuy nhiên, nhiều BĐ cũng trông chờ vào những thay đổi hiệu quả khi sáp nhập các đơn vị hành chính. Một BĐ nêu: "Sáp nhập là nhằm mục đích tinh gọn, tinh giản biên chế nhằm ổn định lâu dài; cũng vì mục đích giúp xã hội, người dân ngày một an yên, ấm no hạnh phúc".
Tán thành, BĐ Xuyên nhận xét: "Nên nhập lại, để giảm người hưởng lương nhưng tăng lương cho người ở lại làm việc. Khi lương tăng đủ sống, cán bộ sẽ an tâm làm việc tốt hơn trước". Cùng nhận định với BĐ Xuyên, BĐ Trịnh Cường chia sẻ: "Đúng như vậy, nhưng buộc phải tính toán, cân nhắc, và loại bỏ những phiền hà, tốn kém cho người dân". Từ đó, BĐ Trịnh Cường cho rằng "quan trọng nhất là sắp xếp sao cho tiện lợi, không tạo nhiều xáo trộn lớn gây ảnh hưởng đến người dân, không để người dân mất thời gian hay chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính nảy sinh".
Vận dụng sức mạnh công nghệ
Nhiều BĐ đồng ý rằng điều phiền toái chủ yếu khi chính quyền "thay đổi địa giới hành chính" là khiến hàng triệu người dân phải thay đổi giấy tờ. Tuy nhiên, sự phiền toái này có thể được hóa giải rất đơn giản. BĐ Hùng Nguyễn Quốc nêu ý kiến: "Các cấp chính quyền có thể tận dụng hệ thống dữ liệu sẵn có để tự động chuyển đổi thông tin cho người dân đến từng cơ quan, ngân hàng…". Cách sử dụng công nghệ này được BĐ Bích Liên hình dung cụ thể: "Tự động hóa các loại giấy tờ đến mức tối đa. Cán bộ đến tận nhà người dân cập nhật thông tin hoặc người dân tự thay đổi thông tin được trên hệ thống mạng. Tôi nghĩ đơn giản nhất là đừng bắt người dân kê khai, điền lại gì hết. Cán bộ thu giấy tờ cũ, đưa biên nhận, rồi tới ngày hẹn thì phát luôn giấy tờ mới cho người dân, tận tay".
BĐ Báo Thanh Niên tin tưởng nếu các cấp chính quyền chuẩn bị chu đáo nhiều phương án, nhất là vận dụng triệt để sức mạnh công nghệ, thì những khó khăn gặp phải khi sáp nhập đơn vị hành chính trước đây sẽ được triệt bỏ phần lớn.
Có chăng nên sáp nhập các đơn vị hành chính là đủ, một ủy ban và các phòng chức năng có thể quản lý 2 - 3 quận được mà. Cải cách hành chính không nhất thiết phải thay đổi cả địa giới hành chính vốn đã ổn định.
Nguyễn Thanh Nam
Cân nhắc phương án xây dựng mô hình chính quyền liên quận, liên phường, liên xã, như vậy có thể không gây xáo trộn gì lớn và vẫn đảm bảo yếu tố sáp nhập.
Min
Lập mới hay tách ra không quan trọng, mà quan trọng là tìm con người làm việc trong bộ máy mới như thế nào.
Quốc Phòng Trần