Sau khi tỷ giá trung tâm liên tục tăng nhiều ngày, với biên độ +/- 5% được Ngân hàng Nhà nước áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng đang áp dụng là 25.016 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.633 VND/USD.
Trước đó, các ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh tỷ giá ở mức cao, đưa giá bán USD vượt 23.900 đồng trong tuần qua, khi đồng USD trên thị trường thế giới neo gần mức cao nhất 4 tuần sau quyết định của Fitch hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ.
Cụ thể, trong tuần từ ngày 31/7 - 4/8, giá USD tại Vietcombank dao động ở mức 23.485 – 23.550 VND/USD ở chiều mua vào và 23.855 – 23.920 VND/USD ở chiều bán ra. Cùng lúc, tại BIDV, đồng bạc xanh giao dịch ở mức 23.535 – 23.605 VND/USD ở chiều mua vào và 23.835 – 23.905 VND/USD ở chiều bán ra.
Giới phân tích tài chính cho rằng, xu hướng tránh rủi ro sau khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch hạ mức xếp hạng nợ nước ngoài dài hạn của Mỹ cũng thúc đẩy nhu cầu đối với các kênh trú ẩn an toàn, từ đó hỗ trợ đồng USD.
Mới đây, tại Báo cáo Triển vọng kinh tế và thị trường ngoại hối Việt Nam 6 tháng cuối năm 2023, nhóm phân tích của Ngân hàng Shinhan (Shinhan Bank) cho rằng, trước những áp lực từ nền kinh tế toàn cầu, tỷ giá VND/USD có thể tăng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, tỷ giá có thể quay đầu giảm sau đó với kỳ vọng rằng Trung Quốc điều chỉnh các chính sách kinh tế, cũng như lĩnh vực sản xuất toàn cầu thoát khỏi đáy và phục hồi.
Theo dự báo của ngân hàng này, tỷ giá VND/USD trong quý III/2023 sẽ tăng, giao dịch ở vùng 23.600 VND/USD từ mức 23.475 VND/USD của quý II, nhưng sau đó sẽ giảm xuống 23.500 VND/USD trong quý IV. Trung bình năm 2023, tỷ giá sẽ rơi vào khoảng 23.537 VND/USD.
Theo Shinhan Bank, bối cảnh kinh tế khó khăn đang khiến cho nhu cầu quốc tế sụt giảm, làm xuất khẩu cầm chừng khiến nguồn thu ngoại tệ bị yếu đi, ảnh hưởng tới tỷ giá. Ngoài ra, đồng Nhân dân tệ yếu đi cũng đang gây áp lực lên VND.
Về phía Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tại Báo cáo Triển vọng Kinh tế 6 tháng cuối năm dự báo, tỷ giá VND/USD sẽ tăng khoảng 2% trong năm nay, lên quanh mức 24.100 VND/USD, với tỷ giá liên ngân hàng.
Với định hướng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, giảm lãi suất, KBSV cho rằng mức mất giá này sẽ không khiến Ngân hàng Nhà nước phải có hành động cụ thể để ổn định tỷ giá như tăng lãi suất, hay bán ra dự trữ ngoại hối.
Theo nhóm nghiên cứu của KBSV, việc VND giảm giá ở một mức độ vừa phải cũng sẽ mang lại tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu, dù có thể phải đánh đổi với sự ổn định vĩ mô, đặc biệt liên quan đến dòng chảy vốn.
Trong kịch bản tỷ giá mất giá quá 3% trong năm nay, tùy thuộc vào các biến số liên quan đến tăng trưởng, lạm phát, hay sức khỏe lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nhóm nghiên cứu của KBSV sẽ đánh giá thêm những kỳ vọng về mặt chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.54220626070803202-nah-nagn-gnort-gnat-eht-oc-dsu-dnv-aig-yt-oab-ud/et-hnik/nv.vtv