vĐồng tin tức tài chính 365

Tìm lại sức sống cho chợ truyền thống

2023-08-07 10:42

Những phiên chợ buồn

9g30, bà Ứng Thị Liên - chủ sạp bánh mứt Liên ở chợ Bình Tây, quận 6 - ngồi ngay lối đi giữa những kệ bánh mứt lướt xem tin tức trên điện thoại. Thỉnh thoảng bà dừng lại, đưa tay lên che miệng ngáp dài. Thấy khách dừng chân trước quầy hàng và dán mắt vào các kệ bánh ra vẻ quan tâm, bà liền tắt điện thoại, đứng dậy chào mời. 

Khách lần lượt cầm những gói bánh được bày biện đẹp mắt lên xem, trên mỗi gói đều có dán giá. Chọn một gói bánh có vẻ hấp dẫn, khách vừa trả tiền, vừa hỏi: “Sáng giờ bán được không cô?”. Vừa nghe câu đó, bà Liên kêu trời, lắc đầu: “Từ 6g tới giờ này mà chưa ai mở hàng, cô là khách đầu tiên đó”. 

Thấy khách có vẻ không tin, bà Liên chỉ về phía 2 người làm, trong đó một đang “tám chuyện” với chủ sạp kế bên, một đang ngồi chà điện thoại. Bà Liên tiếp tục hỏi người bán ở sạp bánh mứt đối diện: “Nay mình bán bằng bao nhiêu so với chục năm trước Nhã, được vài phần trăm không?”. Người đàn ông tên Nhã trả lời ngay: “Con không biết được bao nhiêu phần trăm, nhưng chắc chắn là một trời một vực”. 

 

Chợ Bến Thành là công trình mang kiến trúc độc đáo của TPHCM ẢNH: NGUYỄN QUANG
Chợ Bến Thành là công trình mang kiến trúc độc đáo của TPHCM - Ảnh: Nguyễn Quang

Bà Liên đã gắn bó với chợ Bình Tây 55 năm qua. Năm 15 tuổi, bà bắt đầu ngồi chợ, làm công cho người dì ruột ở chính cái sạp mà hiện giờ bà đang ngồi. Khoảng 10 năm sau, dì mất, bà thay dì làm chủ sạp cho đến nay. Nhớ lại thời chợ truyền thống còn tấp nập, bà Liên cho biết, bạn hàng bên Campuchia rất nhiều, mỗi đợt họ mua mỗi thứ mấy tạ: “Hồi đó, tôi bán 2-3 tạ nhãn nhục mỗi ngày; bây giờ bán cả tháng chưa được nửa ký”.

Hầu hết chủ sạp ở chợ Bình Tây đều có vẻ nhàn hạ ở khung giờ mà lẽ ra người ta đi chợ rất đông. Ngồi chừng 30 phút, tôi mới nhận ra, hầu hết người qua lại trong chợ là chủ các sạp hàng. Họ đi vệ sinh hoặc do ngồi lâu tê chân, đi lại cho máu lưu thông.

“Bình thường, tôi ít ra sạp ngồi vì ngồi không cả ngày buồn lắm. Mình duy trì sạp để hy vọng mùa Trung thu, tết bán được, chứ ngày thường lỗ chắc, vì chi phí công cán, thuế má hơn 3 triệu đồng/ngày. Nhưng nếu nghỉ ở nhà thì làm gì bây giờ? Lính theo mình bao nhiêu năm nay, giờ mình nghỉ, họ lấy gì ăn? Giờ chỉ ráng trưng hàng cho đẹp, tìm tòi những món lạ lạ mà bán” - bà Liên nói thêm.

3 ngày, bán được 0 sản phẩm

Chợ Bình Tây có khuôn viên rộng 25.000m², nằm giữa 4 tuyến đường Tháp Mười, Lê Tấn Kế, Phan Văn Khỏe, Trần Bình nên dạo hết chợ cũng mỏi chân. Do vậy, theo các tiểu thương, khách du lịch thường dạo một vòng ở tầng trệt rồi quay ra, ít khi bước lên tầng 2. Tôi theo cầu thang lên lầu, gặp ngay sạp quần áo Thủy ở mặt tiền. Đây là sạp hàng quần áo hơn 40 năm ở chợ Bình Tây. Bà Thủy ăn mặc lịch sự ngồi bên trong sạp, lúc nào cũng sẵn sàng đón khách, 2 nhân viên trẻ ngồi bên ngoài đang mải chơi game trên điện thoại và chơi xếp hình lego. “Vắng như chùa Bà Đanh” - bà Thủy ngao ngán trả lời khi được hỏi thăm tình hình buôn bán. 

Khách đến mua hàng tại chợ Bến Thành ẢNH: PHÙNG HUY
Khách đến mua hàng tại chợ Bến Thành - Ảnh: Phùng Huy

Bà cho biết, ngồi cả buổi sáng mà chỉ mới có 2-3 khách tới mua lẻ. Hôm nào nhiều lắm thì cả ngày có chục khách: “Trước đây, tôi có 10 người phụ mà tiếp khách không kịp, có khi 2 - 3g chiều mới có thời gian ăn trưa; khách lẻ đến hỏi mua, mình từ chối hết vì không có thời gian tiếp họ. Giờ còn có 2 đứa phụ mà nó ngồi không suốt vì không có khách”. Theo bà, chợ ế là do kinh tế khó khăn, người ta phải tiêu xài chắt bóp nhưng nguyên nhân chính là người dân thích ghé siêu thị hơn ghé chợ, bởi siêu thị có máy lạnh, có khu ẩm thực, khu vui chơi, còn chợ thì không. 

Ông Lại Tấn Nghiệp - Phó ban quản lý chợ Bình Tây - cho biết, chợ có 2.358 sạp nhưng đến năm 2019, có 294 sạp ngưng kinh doanh, đến năm 2023, tổng số sạp ngưng kinh doanh tăng lên 384. Theo ông Lại Tấn Nghiệp, nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế khó khăn, do sự cạnh tranh của các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các kênh kinh doanh trực tuyến. Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hàng hóa nay đã bán và giao hàng trực tiếp cho khách hàng mà không qua kênh chợ như trước đây.

Dù không có hộ kinh doanh bên ngoài khuôn viên chợ hốt hết khách như ở chợ Bình Tây nhưng tình hình buôn bán của tiểu thương chợ An Đông (quận 5) cũng không khá hơn. Ngồi cả buổi sáng ở chợ này, chúng tôi chỉ thấy vài đoàn khách du lịch vào chợ và một số khách tham quan lẻ, nhưng chỉ có 1 đoàn trong số đó ghé mua thực phẩm ở mặt tiền tầng trệt, số còn lại chỉ vào tham quan rồi đi ra. 

Cũng như chợ Bình Tây, chợ An Đông hiện nay luôn vắng khách mua hàng - ẢNH: THU LÊ (chụp lúc 10g ngày 28/7)
Cũng như chợ Bình Tây, chợ An Đông hiện nay luôn vắng khách mua hàng - Ảnh: Thu Lê (chụp lúc 10g ngày 28/7)

Ở các tầng kinh doanh giày dép, quần áo trên lầu, hầu như không ai ghé. Bà Ngọc Hiển - chủ sạp E51 chuyên bán khăn, cà vạt, thắt lưng - cho hay, 3 ngày qua, bà chưa bán được sản phẩm nào. Bà gọi An Đông là “chợ ma” bởi chợ quá vắng vẻ. Ngồi kế bên, chị Kim Xuân - chủ sạp D16, chuyên về giày dép - cho biết, khoảng 30% tiểu thương ở đây đã đóng cửa để chuyển đổi nghề do không có lợi nhuận. 

Du khách đông, mua sắm ít

Mới 8g sáng nhưng chợ Bến Thành (quận 1) đã tấp nập du khách nước ngoài tham quan, mua sắm. Tại sạp thời trang 103, cặp vợ chồng người Malaysia đang xem các mẫu áo dài truyền thống Việt Nam. Thấy vợ mặc chiếc áo dài đỏ khá đẹp, anh Danny không ngừng xuýt xoa, chụp lại khoảnh khắc này để gửi cho người thân ở quê nhà. Anh không ngần ngại mua 1 bộ cho vợ, 1 bộ tặng người thân. 

Chị Lê Dung - chủ sạp 103 - nói, chợ bắt đầu đông khách trở lại từ sau tết Nguyên đán 2023. Mỗi ngày, chị cũng bán được vài sản phẩm cho du khách. Nhưng cũng có ngày, chị không bán được sản phẩm nào bởi lượng du khách đến chợ vẫn ít hơn lúc chưa có dịch COVID-19. Thêm nữa, khách chủ yếu vào chợ tham quan, ăn uống chứ ít mua sắm. 
 

2 du khách nước ngoài đang tham quan sạp hàng bán đồ mỹ nghệ ở chợ Bến Thành.  Từ sau đại dịch COVID-19 lượng khách đến chợ Bến Thành mua hàng sụt giảm rõ rệt - ẢNH: PHÙNG HUY
2 du khách nước ngoài đang tham quan sạp hàng bán đồ mỹ nghệ ở chợ Bến Thành. Từ sau đại dịch COVID-19 lượng khách đến chợ Bến Thành mua hàng sụt giảm rõ rệt - Ảnh: Phùng Huy

So với khu kinh doanh đồ thời trang, lưu niệm thì khu kinh doanh bánh kẹo, cà phê, ẩm thực của chợ Bến Thành đông khách hơn. Chỉ lên các bảng hiệu mới toanh ghi tên các món ăn bằng tiếng Việt và tiếng Anh, chị Trương Thị Tuyết Trinh - chủ sạp Bé Chè - khoe, ban quản lý chợ vừa trích ngân sách để làm các bảng hiệu đồng màu cho các quầy sạp, vận động thương nhân mặc đồng phục có in hình ảnh chợ Bến Thành, mỗi sạp tự treo bảng giảm giá 5 - 10%, không nói thách, sử dụng túi đựng thân thiện môi trường…

Có hơn 40 năm kinh doanh tại chợ, chị Tuyết Trinh cho hay, trước đây, ban quản lý chợ chỉ cho kinh doanh tới 19g, nay cho bán tới 21g. Nhưng so với các năm 2017, 2018, lượng du khách đến chợ đã giảm hơn phân nửa. Trước đây, khách mạnh tay mua sắm là do đa phần họ là người Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nay, du khách đến chợ đa phần từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Đài Loan, Trung Quốc, họ chỉ tham quan hoặc chỉ mua các sản phẩm cần thiết, ăn các món ăn độc đáo. 

Đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành cho biết, hàng hóa trong chợ rất đa dạng, phong phú, du khách đông nhưng sức mua chỉ còn khoảng 70%. So với các năm trước, năm nay, lượng khách du lịch từ các tỉnh phía Bắc đến tham quan chợ Bến Thành ít hơn, một phần là do giá vé máy bay tăng cao. Hiện nay, lượng khách đến chợ trung bình 6.000-7.000 lượt/ngày, trong đó khách quốc tế chiếm 80%. So với trước khi có dịch COVID-19, lượng khách đến chợ chỉ còn khoảng 70%. 

Bước vào khu kinh doanh vải vóc, bánh mứt tại chợ Tân Định (quận 1), đã nghe tiếng tiểu thương lao xao mời gọi. Nhưng khi nghe hỏi về tình hình buôn bán, chị Hiền Lan - chủ sạp bách hóa Hiền Lan - than, lượng khách nội địa, khách du lịch quốc tế đến chợ nhiều hơn nhưng sức mua chỉ bằng 50% so với trước khi có dịch COVID-19. Họ đắn đo rất lâu mới chịu mua và chỉ mua với số lượng ít. Các tiểu thương trong chợ đều chuyển sang bán online, đăng ký bán trên các ứng dụng công nghệ, giảm giá nhưng sức mua vẫn không tăng. 

“Chợ là nét văn hóa rất riêng. Cần nâng cấp, gìn giữ, phát huy chợ bởi khách nước ngoài đến TPHCM không chọn tham quan siêu thị, cửa hàng tiện lợi mà chỉ vào chợ truyền thống” - chị Hiền Lan nói.

Ông Lê Quang Thiện - Trưởng ban quản lý chợ Tân Định - cho hay, hiện lượng khách nước ngoài đến chợ chủ yếu là người Nhật Bản, Trung Quốc. Họ chủ yếu mua thực phẩm khô, như mứt, cá, mực, tôm khô, ít khi mua các loại vải vóc, giày dép như trước đây. Nổi tiếng là nơi kinh doanh vải vóc uy tín, có các quán ăn đúng vị Sài Gòn với tuổi đời gần 100 năm nên ban quản lý chợ đang tập trung phát triển những ngành hàng thế mạnh này. “Chúng tôi đang chỉnh trang lại khu ẩm thực và đang có một số dự án ẩm thực đêm để thu hút khách và giới trẻ” - ông nói. 

Thu Lê - Thanh Hoa

Chợ có nhiều tiềm năng để phát triển

Chợ truyền thống thường có vị trí đắc địa, là nơi giao nhau giữa nhiều phường, dân cư đông đúc nên rất có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ. Nếu có sự đầu tư về hạ tầng, có tầm nhìn dài hạn, chợ sẽ thu hút người dân, nhất là du khách phương xa đến tham quan, mua sắm, ăn uống.
Bên cạnh đó, chợ truyền thống vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với những kênh phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi do chi phí thuê mặt bằng thấp hơn, nhiều mặt hàng “thuận mua vừa bán” với người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu không chủ động đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại hơn thì chợ truyền thống sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với mô hình bán lẻ hiện đại.

Ông Lại Tấn Nghiệp - Phó ban quản lý chợ Bình Tây

Đưa chợ vào danh sách các địa điểm du lịch

Đưa chợ truyền thống vào chương trình phát triển du lịch là một trong những giải pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước của TPHCM cần hướng đến để tăng cường sức mua ở các chợ truyền thống. Cần ưu tiên đưa danh sách chợ truyền thống vào danh sách các điểm tham quan, mua sắm ở TPHCM. 
Muốn vậy, các chợ truyền thống cần tạo dựng cho mình nét riêng, đặc biệt để du khách dễ nhớ và quan tâm. Đặc biệt, phải kết nối các chương trình tham quan du lịch với địa phương nơi có chợ truyền thống để tăng thêm lượng du khách đến chợ tham quan, mua sắm. Bên cạnh đó, cũng cần đào tạo một lực lượng hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có kiến thức sâu, am hiểu chợ truyền thống để khi cần là có thể hướng dẫn, giới thiệu các chợ cho du khách.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó ban quản lý chợ An Đông

Thu Lê (ghi)

 

Xem thêm: lmth.0818941a-gnoht-neyurt-ohc-ohc-gnos-cus-ial-mit/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Tìm lại sức sống cho chợ truyền thống ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools