Vào ngày 11-6-2023, đỉnh chính của dãy núi Fluchthorn, ở biên giới Áo và Thụy Sĩ, đã sụp đổ mà không có dấu hiệu báo trước. Khoảng 100.000m³ đá, bùn và đất rơi xuống đã lấp đầy thung lũng bên dưới.
Núi sụp vì băng vĩnh cửu
Tại sao đỉnh cao nhất của dãy núi Fluchthorn sụp đổ?
Theo tờ Business Insider, giống như nhiều ngọn núi ở cực bắc, Fluchthorn có rất nhiều băng vĩnh cửu - bao gồm một lớp băng và đất vĩnh cửu bên dưới bề mặt núi.
Băng vĩnh cửu rất quan trọng, vì nước đóng băng trong lòng đất giữ bề mặt đất liên kết lại với nhau và ngăn không cho nó sụp đổ.
Nhưng khi lớp băng đó tan ra, nước lỏng có thể chảy đi. Bề mặt đất trở nên kém ổn định hơn và có thể sụp đổ, thường là rất nhanh.
Ông Jasper Knight, một nhà địa chất học tại Đại học Witwatersrand ở Nam Phi, cho biết: “Sự nóng lên toàn cầu đang khiến lớp băng vĩnh cửu tan chảy, là tác nhân kích hoạt các sự kiện núi sụp đổ hoặc sạt lở hàng loạt".
Trên khắp thế giới, những ngọn núi bị băng vĩnh cửu tan chảy đã cho thấy tình trạng lở đất nhiều hơn và thường xuyên hơn, theo Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).
Theo IPCC, các sông băng tan chảy cũng có thể gây ra những chuyển động lớn, khi các ngọn núi mất đi lớp băng đã chống đỡ các sườn của nó trong nhiều năm liên tục.
Những ngọn núi nào có nguy cơ?
Các nhà khoa học gặp khó khăn trong việc dự đoán cụ thể khi nào một ngọn núi sẽ sụp đổ hoặc sạt lở đất đá.
Tuy nhiên, họ có thể theo dõi các mô hình khí hậu toàn cầu và xác định dãy núi nào có nhiều rủi ro hơn.
Ông Knight cho biết những ngọn núi dốc, nơi các sông băng đang rút lui nhanh chóng, có nguy cơ sụp đổ lớn nhất. Đặc biệt là những ngọn núi ở dãy Alps châu Âu và dãy Alps phía Nam của New Zealand.
Khi một ngọn núi sụp đổ, nó sẽ kéo theo những ngọn núi khác gần đó sụp đổ hoặc sạt lở theo.
Ông Knight giải thích: “Khi các ngọn núi bị sụp đổ hoặc sạt lở đã tạo ra thế tác động liên hoàn đến sự gắn kết của đất đá trên các sườn núi xung quanh, dẫn đến sạt lở hàng loạt".
Con người có thể làm gì?
Trên toàn cầu, hơn 670 triệu người sống ở các vùng núi cao, theo IPCC. Biến đổi khí hậu khiến cuộc sống của họ gặp nguy hiểm do lở bùn, sạt lở đất, đá lở...
Các vụ sụp đổ của núi cũng có thể làm tăng nguy cơ đường bị tắc nghẽn, đất nông nghiệp bị hư hại và ô nhiễm thủy ngân trong các vùng nước địa phương.
Mặt khác, cũng chính hành vi của con người có thể tác động tốt hoặc xấu đến những ngọn núi đang nhạy cảm với biến đổi khí hậu.
Tờ Insider đã nói chuyện với hai ông Alejandro Argumedo và Tammy Stenner từ Asociación ANDES (Peru) - một tổ chức bảo vệ đa dạng sinh học ở dãy núi Andes. Đây là dãy núi dài nhất thế giới, 7.000km, và có chỗ rộng tới 500km.
Argumedo và Stenner cho biết người dân bản địa Andean có một hệ thống kiến thức truyền thống và một chiến lược mà họ sử dụng là ruộng bậc thang trong nông nghiệp để "ngăn xói mòn và sạt lở đất".
Tuy nhiên, nếu hệ sinh thái trên núi bị suy thoái và ruộng bậc thang bị bỏ hoang, núi vẫn sẽ sụp đổ. Ngoài ra, việc khai thác rừng và xây dựng đường cũng làm mất ổn định môi trường miền núi.
Khi biến đổi khí hậu tăng tốc, môi trường của núi cũng thay đổi nhanh hơn. Ông Knight dự đoán tình trạng sụp đổ hoặc sạt lở núi sẽ trở nên phổ biến hơn trong thập kỷ tới.
Các nhà khoa học tin rằng nếu chúng ta hành động ngay để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự xuống cấp của núi, chúng ta vẫn có thể ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất xảy ra.
TTO - The Local (Thụy Sĩ) ngày 26-12 đưa tin 3 nhà leo núi thiệt mạng trong các trận sạt lở tuyết trong ba ngày qua ở dãy núi Alps, địa phận Thụy Sĩ.