Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông đẫm máu và nước mắt với biết bao bài học thương đau. Nhưng trong hành trình Nam - Bắc theo đường Hồ Chí Minh vừa qua, tôi - một cựu lái xe, một giáo viên dạy lái - vẫn chứng kiến tài xế biểu diễn tốc độ như làm xiếc trên tuyến đường cực kỳ nguy hiểm.
Chạy quá tốc độ như xiếc trên đèo hiểm
Lên xe tại bến xe Buôn Ma Thuột, tôi được bố trí ngồi ghế đầu tầng dưới của chiếc xe giường nằm khá mới. Xe xuất bến lúc 7h, suốt hành trình tôi có dịp quan sát cung đường nhiều năm trước mình từng là tài xế xuôi ngược.
Hai bác tài theo tôi tìm hiểu đều là những người từng trải kinh nghiệm. Một người nhiều năm chạy xe tải và chuyển sang chạy xe khách đường dài hơn chục năm. Người trẻ hơn đã lái xe container và nâng cấp chạy xe khách từ 2018.
Qua Gia Lai và Kon Tum, xe chạy chậm và dừng liên tục để bắt khách. Hai bác tài và phụ xe liên tục nhảy xuống khiêng vác hàng hóa, xe máy, trái cây các loại chất vào khoang chứa hàng dưới gầm xe.
Bắt đầu vào đường Hồ Chí Minh, con đường như dải lụa mềm ngoằn ngoèo trải dài trước mặt. Bầu trời xám và những cơn mưa xối xả do ảnh hưởng cơn bão số 2. Đường vắng, ít phương tiện qua lại, dân cư thưa thớt. Chiếc xe tăng tốc lao vun vút.
Ngay những khúc cua đầu tiên đã có tiếng vali, túi hành lý của khách trên giường tầng rơi xuống dưới, may không trúng đầu ai. Không dưới ba lần phụ xe phải đi nhặt hành lý, rồi chúng lại rơi, chỉ đến khi được xếp cố định ở tầng dưới thì hành khách mới không còn nghe thấy cái cảnh rơi đồ nguy hiểm ấy nữa.
Đó là cảnh báo tự nhiên về tốc độ xe khi vào các khúc quanh. Những người nằm giường tầng trên nếu không bám chắc, nằm vững thì họ cũng có thể văng, rơi như hành lý kia vậy.
Qua thị trấn Đắk Glây bắt đầu vào đèo Lò Xo, đường xuất hiện rất nhiều biển cảnh báo nguy hiểm, biển hạn chế tốc độ, nhiều hộ lan bằng lốp xe, nhiều hốc cứu nạn nhiều đoạn đường được đổ bê tông bóng loáng, trơn trượt, nhiều đoạn đường hư hỏng thi công dang dở ở những khúc cua khuất tầm nhìn với những rào chắn bằng dây ni lông, biển cảnh báo hết sức sơ sài...
Rồi nhiều hố gà sâu hoắm chiếm hết một nửa phần đường xe chạy như những cái bẫy rình rập hết sức nguy hiểm! Đặc biệt, nhiều dốc dài hun hút nhưng lái xe chỉ về số 5 rồi đổ dốc ào ào với tốc độ 80km/h và chỉ phanh gấp khi bắt đầu vào cua khiến tôi nhiều phen nín thở.
Hệ thống giám sát hành trình liên tục cảnh báo bíp bíp báo hiệu tốc độ vượt quá giới hạn cho phép. Hệ thống hơi giữ thăng bằng chiếc xe liên tục xả xì xịt, rồi tiếng lục cục, tiếng vặn xoắn răng rắc, tiếng lốp xe ma sát mặt đường rin rít, tạo những hợp âm rợn người. Những đoạn đường tương đối thẳng, lái xe đẩy tốc độ có khi lên gần 130km/h, kim đồng hồ báo công tơ mét vượt 2/3 ngưỡng đỏ, ngưỡng cực kỳ nguy hiểm.
Nhìn bác tài hai tay điều khiển vô lăng như múa để giữ thăng bằng cho chiếc xe, tôi chỉ biết nhắm mắt và lâm râm cầu trời khấn Phật cho chiếc xe không mệnh hệ gì và đi đến nơi về đến chốn an toàn.
Xe dừng lại ở giữa đèo để xịt nước làm mát lốp và phanh. Trời vẫn mưa bay bay. Nhiệt độ ngoài trời khoảng 20 - 22 độ C, nhưng khi phụ xe phun nước vào lốp, lập tức khói trắng trùm lên như cháy nhà và mùi khét cháy bố phanh khiến nhiều hành khách đứng quan sát bịt mũi, ngỡ ngàng, đủ biết hệ thống phanh và lốp phải làm việc quá tải đến mức nào.
Xe tiếp tục hành trình theo biển chỉ dẫn huyện Phước Sơn, ranh giới giữa tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đường hư hỏng nhiều. Những hố bê tông do đơn vị thi công dang dở có chỗ sâu đến 50cm nếu sa xuống hoặc đi vào góc bê tông này lốp xe có thể bị nổ bất cứ lúc nào. Vẫn đèo dốc cao quanh co liên lục, ở đoạn này hốc cứu nạn được bố trí dày đặc cùng rất nhiều biển cảnh báo nguy hiểm và bảng treo nhắc nhở lái xe "đi đúng làn, về số thấp".
Nhưng việc cảnh báo có lẽ là việc của Nhà nước, đường hư hỏng như đặt bẫy là việc của đường, lái xe vẫn múa lượn tay lái lúc tránh phải lúc lấn trái, nhiều phen suýt đối đầu với xe chiều ngược lại, có lúc phải lùi xe nhường đường... khiến tôi tiếp tục thót tim. Đã có những thanh niên nằm tầng trên phía sau xe nôn mửa...
Trên đoạn đèo này, tôi thấy một chiếc xe trộn bê tông không kiểm soát được tay lái lật vào vách núi bên trái đường. Một chiếc xe tải khác cháy rụi còn trơ khung sắt đứng bên đường như những thông điệp cảnh báo rủi ro, tai nạn luôn cận kề đời tài xế. Thế rồi, tôi cũng thở ra, may mắn an toàn xuống xe lúc 2h sáng tại Diễn Châu (Nghệ An)...
Cơi nới thêm giường dài trên đầu
Ba cha con tôi bắt xe từ Đô Lương trở lại Tây Nguyên. Dù đặt trước hai ghế nằm ở tầng dưới cho hai con trai nhưng xe đã kín chỗ nên chúng tôi bị đẩy hết lên tầng trên.
Một điều đặc biệt khá lạ: trong khi các trạm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước đang bị cơ quan chức năng kiểm tra, siết chặt việc cơi nới, cải tạo ngoài thiết kế, nhưng không hiểu sao chiếc xe khách này vẫn lắp thêm tấm thép và phủ lên tấm nệm biến hành lang giữa hai giường nằm tầng trên thành một cái giường dài từ đầu xe đến cuối xe để có thể chất thêm được gần chục hành khách. Như thế này thì trọng tâm xe không còn cân bằng theo thiết kế và có thể rất nguy hiểm khi qua đèo dốc uốn lượn.
Một phát hiện nữa là trên xe có hai bác tài thì một bác khá lớn tuổi. Hỏi ra mới biết bác ấy đã hơn 60 tuổi và giấy phép lái xe đã hạ xuống hạng, không còn đủ điều kiện chạy xe khách này nữa, nhưng ông là chủ xe nên cứ chạy lụi.
Điều tích cực trên chuyến đi vào này là hai lái xe đều có tuổi, chạy cẩn trọng. Họ đổ đèo xuống dốc êm dịu. Suốt cả hành trình dài cả ngàn km, tôi rất hiếm thấy hai bác tài này phanh gấp, quả thật các lái xe lớn tuổi có kỹ thuật lái xe tốt và điềm đạm!
Tổng kết chuyến đi ra và vào, tôi nhận thấy thời gian hai xe chạy không chênh nhau là mấy, nhưng tôi đã được sống trong hai cảm giác hoàn toàn khác biệt. Một chuyến đi ra thật sự đầy lo lắng, bất an. Lái xe đổ đèo, xuống dốc hoàn toàn phụ thuộc vào chân phanh, chỉ cần hệ thống phanh, hệ thống lái có vấn đề hay nổ lốp thì điều gì sẽ đến có lẽ ai cũng biết. Chuyến đi vào với một bác tài già đầy sự cẩn thận cần thiết...
Qua hành trình thực tế, tôi đề nghị cơ quan chức năng cần sớm lắp đặt hệ thống camera kiểm soát tốc độ ở tất cả cung đường đèo dốc, nhất là cung đường đèo Lò Xo, để có thể xử phạt và hạn chế tối đa tình trạng tài xế đua tốc độ, đánh đổi tính mạng chính mình và hành khách. Xin đừng để hai chữ "rủi, may" của nghề lái xe đổ lên đầu những hành khách vô tội!
Chiếc xe tải bị lật trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Phước Sơn, Quảng Nam khiến 3 người mắc kẹt trong ca bin tử vong.