Ngày 7/8, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 10 năm tù đối với bị cáo Phạm Duy Hùng (sinh năm 1983, trú phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo quy định tại Điều 313, khoản 3, điểm a - Bộ Luật Hình sự.
Hùng là chủ quán karaoke ISIS ở quận Cầu Giấy đã xảy ra hỏa hoạn cách đây 1 năm, vụ hỏa hoạn đã khiến 3 cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Cầu Giấy hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Bản án sơ thẩm xác định tháng 3/2018, bị cáo Phạm Duy Hùng mua lại cơ sở kinh doanh karaoke ISIS tại nhà số 231, phố Quan Hoa, gồm 6 tầng và 1 tum.
Theo giấy phép kinh doanh do UBND quận Cầu Giấy cấp, cơ sở karaoke này được cấp phép 4 phòng hát, từ tầng 3 đến tầng 6. Tuy nhiên, bị cáo sử dụng tới 9 phòng, từ tầng 2 đến tầng 6 để làm phòng hát.
Đến tháng 2-2022, Hùng thuê người cải tạo, cơi nới thêm 2 phòng tại tầng 7 của ngôi nhà bằng khung sắt, quây tôn, mái tôn, trần thạch cao, gắn các lớp cách âm, lắp hệ thống điện, điều hòa, trang trí để phục vụ việc kinh doanh.
Việc này không thông báo với chính quyền địa phương.
Từ tháng 5/2022, bị cáo bắt đầu sử dụng phòng 702 vào làm phòng hát, còn phòng 701 làm nhà kho.
Dù biết quán karaoke của mình thuộc trường hợp phải thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy mới đủ điều kiện hoạt động, nhưng khi đang làm thủ tục bị cáo Hùng vẫn cho quán hoạt động.
Thời gian khách hát thường bắt đầu từ 11h hôm trước đến 2h sáng hôm sau.
Đầu giờ chiều 1/8/2022, do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện bên trong dàn lạnh điều hòa tại phòng hát 702, lớp vỏ cách điện bị cháy rồi lan ra xung quanh, bao trùm toàn bộ quán karaoke.
Nhận tin báo, Công an Tp.Hà Nội đã điều nhiều xe chữa cháy cùng cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa.
Quá trình chữa cháy, cứu nạn, ba chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy gồm Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc bị vật liệu rơi chặn cầu thang, bịt lối thoát khiến cả ba người hy sinh.
Hành vi của Hùng phạm tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Cáo trạng truy tố bị cáo có căn cứ, đúng pháp luật. Tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn thừa nhận, ăn năn hối cải về hành vi của mình.
Về tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, bị cáo từng bị xử phạt hành chính về hành vi Chống người thi hành công vụ. Theo HĐXX, dù đã được xóa án tích nhưng cũng thể hiện bị cáo có nhân thân xấu. Tuy nhiên, bị cáo ăn năn hối cải, tích cực bồi thường, bố bị cáo tham gia quân đội, bị nhiễm chất độc màu da cam.
Về phần bồi thường, khi 3 chiến sỹ hy sinh, Công an quận Cầu Giấy và Công an Hà Nội đã hỗ trợ thực hiện mai táng với chi phí 334 triệu đồng. Do hai đơn vị này không yêu cầu bồi thường thiệt hại, nên HĐXX không xem xét.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức tang lễ, gia đình các nạn nhận phải chi phí các khoản khác. Trên cơ sở đề nghị của các gia đình và kết quả tranh luận phiên tòa, HĐXX buộc bị cáo phải chi trả chi phí mai táng cho mỗi gia đình 50 triệu đồng.
Ngoài ra, về tổn thất tinh thần, HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường cho mỗi gia đình nạn nhân là 180 triệu đồng, tương đương với 100 tháng lương cơ sở.
Trong quá trình giải quyết vụ án, gia đình bị cáo đã bồi thường cho mỗi gia đình nạn nhân là 130 triệu đồng. Đối trừ với trách nhiệm, bị cáo còn phải bồi thường cho gia đình anh Quân 100 triệu đồng, gia đình anh Phúc 100 triệu đồng.
Riêng gia đình anh Việt cho biết mới chỉ được bồi thường 100 triệu đồng chứ không phải 130 triệu đồng. Do đó, HĐXX buộc bị cáo còn phải bồi thường cho gia đình anh Việt 130 triệu đồng.
Về nghĩa vụ cấp dưỡng, HĐXX buộc bị cáo phải cấp dưỡng cho mẹ anh Quân đến khi mất, cấp dưỡng cho con anh Quân đến khi đủ 18 tuổi, mức cấp dưỡng là 2 triệu đồng/tháng cho mỗi người.
Trong phần luận tội và đề nghị mức án trước đó, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hùng mức án từ 10-12 năm tù về tội Vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy.
Han (t/h từ Tuổi trẻ, Công lý)