Tuổi Trẻ ghi nhận thêm các ý kiến sau lễ hội Sông nước TP.HCM.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc (viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội):
Giá trị văn hóa sông nước được chú trọng hơn
Tôi đã tham gia nhiều đoàn khảo sát của TP.HCM đối với sông Sài Gòn trong thời gian gần đây. Đã có một thời gian dài TP tập trung phát triển kinh tế, đô thị hóa, văn hóa sông nước vô tình xa dần trong sự quan tâm của người dân, nhất là người trẻ.
Với TP.HCM, sông nước là một nét độc đáo để gợi nhớ. Lễ hội Sông nước lần này phần nào kết nối lại bản sắc, ký ức tập thể về vùng đất Sài Gòn. Hoạt động còn giúp TP phát huy lợi thế vốn có của mình để phát triển kinh tế, nhất là mảng du lịch. Lễ hội này còn có giá trị khá tốt về giáo dục, văn hóa khi giá trị sông nước đã được chú trọng hơn.
Khi người dân TP tự hào mình là chủ nhân của di sản văn hóa sông nước Sài Gòn, họ sẽ gìn giữ và bảo vệ nó. Đừng để người dân chỉ là khán giả của lễ hội mà hãy cho họ được tham gia cùng thì sức sống của lễ hội này sẽ còn mãi.
Chị Phạm Quỳnh Nhung:
Lễ hội Sông nước như đặc sản du lịch của thành phố
Tôi và chồng đã may mắn đăng ký được vé chương trình Dòng sông kể chuyện - điểm nhấn của lễ hội này. Chương trình gọn nhưng phần nào phục dựng được đời sống của người dân Sài Gòn - Gia Định bên con sông Sài Gòn từ trước đến nay.
Có thể nói lần đầu tổ chức nhưng chương trình được làm rất chuyên nghiệp.
Không phải TP nào cũng có con sông chảy qua trung tâm và gắn liền với quá trình phát triển lâu đời. Tôi mong TP.HCM có thể duy trì được lễ hội này và tổ chức nó mỗi năm như một đặc sản du lịch của TP.
Tôi cũng có một vài góp ý. Lễ hội có rất nhiều nội dung, nếu khắc họa được hết văn hóa sông nước (buôn bán, ẩm thực) của người dân Sài Gòn - Gia Định xưa thì sẽ rất thu hút.
Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh (giám đốc điều hành Công ty Les Rives, chuyên khai thác tour đường sông):
Đa dạng phân khúc sản phẩm đường sông
Chúng tôi có nhiều sản phẩm chủ lực gắn với đường sông, trong đó phục vụ rất nhiều đoàn chính khách nước ngoài, doanh nhân nổi tiếng. Ngay khi đến TP.HCM, hầu hết khách quốc tế đều nói muốn đi một tour đường sông để khám phá TP.
Khách đi tour đường thủy là những khách đề cao tính trải nghiệm, đánh giá tính an toàn cao và thực sự cũng cần có sức khỏe, có sở thích về sông nước. Chúng tôi cũng thấy rằng cần phải đa dạng hóa sản phẩm từ bình dân đến trung cấp, cao cấp gắn với sản phẩm du lịch đường sông tầm ngắn, thời gian 3-4 tiếng hay nửa ngày, một ngày và hai ngày một đêm... thì mới có đông khách.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý vấn đề môi trường ở bến đậu. Chúng ta đã thiếu bến, bãi nhưng ngay cả những điểm đang có thì vẫn chưa được chăm chút. Ngay ở khu vực bến Bạch Đằng do người dân tập trung vui chơi ở đây rồi cũng tiện xả rác luôn, ảnh hưởng cảnh quan và chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.
Ông Thi Quốc Duy (giám đốc Trung tâm Du lịch khách lẻ của BenThanh Tourist):
Sông Sài Gòn, những điều còn thiếu
Hiện doanh nghiệp đang có hai sản phẩm tour là chèo thuyền SUP trên sông Sài Gòn và trên sông Cần Giờ, chủ yếu phục vụ khách theo nhóm, khi có yêu cầu. Phân khúc khách ưa thích vận động kết hợp sông nước chưa nhiều, khách có thiên hướng đi chơi, nghỉ ngơi như ăn tối trên tàu, ngắm cảnh Sài Gòn…
Từ Lễ hội sông nước TP.HCM, chúng ta cũng có dịp nhìn nhận rằng: cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch đường sông còn hạn chế, chưa tạo được sự thuận lợi cho các sản phẩm đường sông phát triển. Vẫn còn thiếu những trạm dừng, bến đỗ đem lại cảm giác giải trí, dịch vụ tiện ích để khách muốn lui tới hay nôm na "hạ chân xuống nước là có thể chơi được".
Nhìn vào cách thức phát triển du lịch đường thủy của các nước như Pháp hay gần hơn là Thượng Hải (Trung Quốc)… đầu tiên chúng ta phải có cảnh quan hai bên bờ sông sạch và đẹp, buổi tối cần có tiệc ánh sáng, tạo được tính giải trí cho du khách. Đây là những điểm sông Sài Gòn còn thiếu.
Ngày 4-8, Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023 khai mạc với chuỗi hoạt động nghệ thuật, văn hóa, vui chơi đặc sắc.