Thời gian qua, ngày càng có thêm những doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những vụ việc lừa đảo, hoặc nghi có dấu hiệu lừa đảo trong thương mại quốc tế. Những cảnh báo và cả những bài học kinh nghiệm đã được chỉ ra. Nhưng có một thực tế là nhiều doanh nghiệp dường như vẫn chưa ý thức được hết tính phức tạp của các âm mưu lừa đảo trong giao thương quốc tế hiện nay.
Gần 20 năm sống tại Vùng Vịnh, bà Latta, doanh nhân Ấn Độ có lúc đã tưởng mình rành rẽ mọi đường đi nước bước tại mảnh đất này. Cho đến lúc cũng chính bà cũng là nạn nhân bị lừa đảo, đến từ phương thức thanh toán mà bà chưa từng mảy may nghi ngờ trước đây.
"Bọn lừa đảo đưa cho tôi một tấm séc ngân hàng, có thể rút ngay. Tôi vui vẻ, nghĩ thế là đảm bảo nhưng không dù là séc có thể rút ngay thì cũng sẽ mất một ngày để ngân hàng xử lý. Để rồi khi ngân hàng trả lại séc, do trong tài khoản không có tiền. Tôi chạy đến kho hàng thì mọi thứ đã bốc hơi", bà Latta, doanh nghiệp PBS International FZE cho biết.
Những vụ việc lừa đảo trong thương mại thực tế cũng được các phương tiện truyền thông chính thống tại Vùng Vịnh không ít lần cảnh báo.
Trên Khaleej Times, vụ việc 5 container nông sản gia vị của Việt Nam nghi bị lừa đảo cũng được phản ánh. Tuy nhiên, cùng lúc, những vụ lừa đảo cũng đang xảy đến với các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới với những thủ đoạn chưa bao giờ dễ đoán định.
"Những băng nhóm lừa đảo nay đã xây dựng thành một mạng lưới tinh vi. Từ lên kế hoạch, rồi xây dựng website, đăng ký giấy phép, làm thủ tục để hoạt động như một doanh nghiệp bình thường, cho tới những nhóm riêng, để tiêu thụ hàng hóa lừa đảo. Nó hoạt động không khác gì một ngành nghề thực thụ vậy", nhà báo Mazhar Farooqi tại Khaleej Times cho biết.
Nhiều mảnh đất Vùng Vịnh, lao động nước ngoài chiếm 70%, thậm chí 80% dân số. Điều tra cho thấy trong hầu hết trường hợp, những đối tượng lừa đảo lại chính là những người nước ngoài, chỉ mượn Vùng Vịnh như mảnh đất làm ăn, rồi đào tẩu ngay sau khi phi vụ trót lọt... Điều này khiến giới chức gặp không ít khó khăn.
"Các điều tra của chúng tôi cho thấy trong 6, 7 năm qua đã có 850 công ty đóng cửa chạy trốn. Tức là khoảng 140 công ty mỗi năm, 11 công ty mỗi tháng, hay cứ 3 ngày thì có 1 công ty biến mất", nhà báo Mazhar Farooqi thông tin.
Theo ông Imran Marikar, doanh nhân người Sri Lanka, các đường dây lừa đảo nay đang có xu hướng mở rộng sang các địa bàn mới, ít có kiến thức đề phòng, và thường tập trung hàng nông sản thực phẩm. Bởi đây là hàng dễ hỏng. Các nhà xuất khẩu thường cảm thấy sức ép phải giao hàng sớm, để rồi bỏ qua các biện pháp đảm bảo trong thanh toán.
Các băng nhóm lừa đảo đang xu hướng hoạt động xuyên biên giới, với các phương thức lừa đảo đang không ngừng thay đổi. Nó cũng có nghĩa là những gì ngày hôm qua chúng ta cho là an toàn, thì hôm nay có thể không còn là an toàn nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.95800520180803202-et-couq-iam-gnouht-gnort-oad-aul-naod-uht-cuhp-iam-neid-paht/et-hnik/nv.vtv