"Trong hơn 12.000 cơ sở y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã từ chối chi trả và thu hồi hơn 10.000 tỉ đồng. Con số này được thống kê từ năm 2018-2022. Đây là một con số lớn nhưng chỉ là một phần con số đang bị thất thoát, lãng phí về quỹ bảo hiểm xã hội".
Ông Lê Văn Phúc, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết như vậy tại hội nghị tập huấn kiến thức về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023, được tổ chức vào ngày 8-8 tại Quảng Nam.
Theo ông Phúc, quỹ bảo hiểm y tế bị trục lợi bằng nhiều hình thức, như có nhiều người mượn thẻ của người khác đi khám chữa bệnh, có những hiện tượng như một mắt phẫu thuật Phaco 2 lần, sử dụng thẻ của người đã chết... Trong cùng một thời gian, có người khám chữa bệnh tại 2 cơ sở y tế... Không ít cơ sở y tế chỉ định nằm viện với các bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú và vẫn thanh toán tiền giường khi bệnh nhân đã ra viện...
Để ngăn chặn tình trạng này, ông Phúc cũng đưa ra các giải pháp nghiệp vụ như thực hiện hiệu quả quy trình giám định bảo hiểm y tế, kết hợp giám định điện tử và giám định chủ động, khai thác các công nghệ tiên tiến trong kiểm soát chi khám chữa bệnh...
"Năm 2023 là năm rất khó khăn, thách thức với ngành bảo hiểm xã hội" - ông Đào Việt Ánh, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhận định như vậy.
Ông Ánh cho biết ngành bảo hiểm xã hội luôn phải thực hiện theo lộ trình "số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phải tăng theo từng năm".
Mỗi năm, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội phải tăng từ 2 - 2,5%, bảo hiểm y tế phải tăng ít nhất 1%. Nhưng để những đối tượng còn lại tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng khó khăn và cũng là một thách thức, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang khó khăn như hiện nay.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, mức tăng trưởng của cả nước chỉ đạt được 3,72%. Đây là mức tăng trưởng tương đối thấp so với nhiều năm trước đó.
Đồng thời tình hình lao động, việc làm của người lao động trong các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu trong 6 tháng đầu năm 2023, có 91.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, trong đó có 60.000 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, 31 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Trong bối cảnh như vậy, 7 tháng đầu năm bảo hiểm xã hội đã nỗ lực, cố gắng, phấn đấu. Về bảo hiểm xã hội, trong 7 tháng đầu năm cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 614.000 người, tăng 3,64 % so với cùng ký năm 2022.
Còn bảo hiểm y tế cả nước có 91,3 triệu người tham gia, tăng 4,6 triệu người, tăng 5,32% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi lộ trình để đạt được chỉ tiêu của ngành bảo hiểm xã hội trong năm 2023 là bảo hiểm xã hội đạt 40,23%, bảo hiểm y tế là 92,3% - một con số rất lớn.
Hiện nay bảo hiểm xã hội mới đạt được khoảng 38%, bảo hiểm y tế mới đạt được khoảng 92%.