Sau phiên sáng nhích nhẹ, áp lực bán đã dâng cao ngay khi giao dịch trở lại vào phiên chiều, khiến VN-Index về gần tham chiếu trước khi nảy trở lại. Dù vậy, xu hướng thị trường đã trở nên rõ nét hơn khi áp lực phân hóa cao diễn ra trên bảng điện tử khiến VN-Index giằng co, đảo chiều liên tục quanh tham chiếu với biên độ hẹp và đóng cửa trong sắc xanh nhạt.
Trong đó, một mặt VIC-VRE vẫn hoạt động tốt, đóng vai trò là trụ đỡ mạnh mẽ cho thị trường, trong khi lực bán tập trung vào nhóm bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ, hay như nhóm tài chính, nguyên vật liệu, dù không quá mạnh nhưng cũng đủ khiến sự thận trọng của nhà đầu tư gia tăng.
Đóng cửa, sàn HOSE có 242 mã tăng và 238 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,81 điểm (+0,07%), lên 1.242,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,19 tỷ cổ phiếu, giá trị 23.207,5 tỷ đồng, giảm hơn 8% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 77,3 triệu đơn vị, giá trị 1.960 tỷ đồng.
Cặp đôi nhà Vin là VIC và VRE dù có đôi chút rung lắc ở quanh mức cao nhất trong phiên, nhưng kết phiên vẫn là những đại diện đóng góp chính cho VN-Index trong phiên này, với mức tăng của VIC +4,9% lên 67.000 đồng và VRE +4,7% lên 31.000 đồng, khớp lệnh lần lượt có 11,05 triệu và 18 triệu đơn vị.
Ngoài cặp đôi trên thì góp thêm sức cho thị trường còn có MSN, VJC, PLX, SAB, GAS, SSB, dù mức tăng khiêm tốn và cổ phiếu POW có phiên khớp lệnh cao nhất trong gần 1 năm với gần 28 triệu đơn vị, giá cổ phiếu tăng 2,9% lên 14.100 đồng.
Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu ngành tài chính SSI và VPB mất 2% xuống 29.100 đồng và 22.200 đồng, và là hai mã giảm mạnh nhất rổ VN30.
Theo sau là TCB, HPG, SHB, ACB và TPB khi mất 1% đến 1,6%, còn lại MWG, VHM, VNM, STB, VIB, BVH, VCB chỉ giảm nhẹ, cùng nhóm HDB, CTG và BCM đứng tham chiếu.
Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhà đầu tư tiếp tục mua thêm nhiều mã tại một số nhóm như bất động sản, xây dựng, nông nghiệp.
Trong đó, nổi bật nhất là một số mã ngành nông nghiệp với HAG tăng sát giá trần +6,9% lên 9.810 đồng, khớp lệnh vươn lên cao nhất toàn thị trường với hơn 47,1 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu khác trong nhóm này đáng ghi nhận như DBC tăng trần +6,9% lên 27.950 đồng, khớp 14,8 triệu đơn vị, AGM cũng tăng trần +6,7% lên 13.500 đồng, HSL +5,2% lên 7.330 đồng, ABT +5% lên 36.000 đồng, tương tự là SJF +6,8% lên 4.560 đồng, LSS +4,6% lên 13.750 đồng, BAF +3,5% lên 23.900 đồng, các mã HNG, SBT, NAF nhích 1,5% đến 3%.
Nhóm các mã bất động sản, xây dựng với ITA, HHS, HPX, SGR, TNI cũng đều đóng cửa ở giá trần, với HPX khớp hơn 20,4 triệu đơn vị, HHS khớp 17,6 triệu đơn vị, ITA khớp hơn 12,6 triệu đơn vị.
Đáng kể khác là hai cổ phiếu APG và IBC cũng đã đóng cửa ở giá trần, khớp 3,64 triệu và 2,85 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, dù không nhiều mã giảm sâu, nhưng lại tương đối tập trung ở nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, công ty chứng khoán với khối lượng giao dịch cao, như FCN, DXG, PDR, NLG, NHA, NLG, ITC, HQC, CII, HTN, NBB, HDC, CRE, FTS, CTS, VND, VIX…
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index nhích lên đôi chút khi giao dịch trở lại trong phiên chiều, nhưng áp lực phân hóa sau đó cũng đã khiến chỉ số này hạ độ cao và đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 108 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index tăng 0,38 điểm (+0,16%), lên 246,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 158,2 triệu đơn vị, giá trị 2.631,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,57 triệu đơn vị, giá trị 128,6 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu tăng tốt nhất là LIG và TTH, khi đều đóng cửa ở mức giá trần, với LIG khớp lệnh thuộc top cao nhất sàn với hơn 8 triệu đơn vị.
Ngoài ra, một số cổ phiếu tăng tốt khác là FID +6,3% lên 3.400 đồng, DDG +5,7% lên 9.300 đồng và PVS +5% lên 36.000 đồng, khớp lệnh hơn 21,7 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ giữa tháng 4/2022.
Phần còn lại với những cái tên quen thuộc như IDJ, HUT, IDC, TAR, NRC, APS, AAV, API giảm nhẹ và CEO -3% xuống 19.600 đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index ít biến động và gần như chỉ đi ngang quanh mức điểm cuối phiên sáng cho đến khi đóng cửa.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 1,07 điểm (+1,16%), lên 93,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 97 triệu đơn vị, giá trị 1.123,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 60,3 triệu đơn vị, giá trị 1.476,6 tỷ đồng, với đóng góp lớn đến từ hơn 58 triệu cổ phiếu SZB, trị giá hơn 1.422,4 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu tăng mạnh có HHV và KVC khi đều tăng trần lên 2.900 đồng và 3.300 đồng, khớp 4,8 triệu và 3,59 triệu đơn vị, các mã CEN +12,9% lên 7.900 đồng, BOT +12,2% lên 5.500 đồng, NED +8,1% lên 6.700 đồng, các mã PAS LMH, AAS, ABB, VBB tăng từ 3% đến hơn 5%.
Trong khi đó, BSR -0,5% xuống 20.400 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM khi có hơn 8,1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2308 giảm 2,2 điểm, tương đương -0,18% xuống 1.248 điểm, khớp lệnh hơn 200.400 đơn vị, khối lượng mở hơn 55.400 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, nhóm mã thanh khoản cao có mức biến động lớn, với CVRE2216 và CVRE2220 khớp lệnh cao nhất với 3,98 triệu và 3,24 triệu đơn vị, cả hai tăng mạnh 29,2% và 51,4% lên 310 đồng/cq và 560 đồng/cq.