Không chỉ người nổi tiếng bị 'anti' mà trên mạng xã hội cũng có các trang, nhóm để phản ánh hay bày tỏ quan điểm về một vấn đề nào đó. Cũng không chỉ hoa hậu, mà nhiều cá nhân, tổ chức cũng từng bị lập hội "anti".
Vậy việc bình luận, 'anti' trên mạng làm sao để không phạm luật?
'Anti' nhưng phải đúng luật
Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), tự do ngôn luận là quyền của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Người dân được quyền bày tỏ quan điểm cá nhân của mình một cách trực tiếp hoặc trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Thế nhưng một điều đáng lưu ý rằng việc tự do ngôn luận của công dân phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật cho phép, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Hành động lợi dụng quyền tự do dân chủ để cung cấp các thông tin sai sự thật, bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc vu khống người khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy vào mức độ vi phạm mà các hành vi như: cung cấp thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên các trang mạng xã hội có thể bị xử phạt số tiền từ 10 đến 20 triệu đồng, theo quy định tại điều 101 nghị định 15/2020 (được sửa đổi bởi khoản 37 điều 1 nghị định 14/2022)
Trường hợp việc bịa đặt, nói xấu có mức độ nghiêm trọng, có thể bị khởi tố vụ án hình sự với "tội làm nhục người khác" theo điều 155 Bộ luật Hình sự hoặc "tội vu khống" theo điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Vì vậy, việc người dân lập ra các nhóm antifan trên mạng xã hội nhằm bày tỏ sự đồng tình hay phản đối một vấn đề nào đó thì không sao, nhưng lợi dụng nó để nói xấu, bịa đặt, vu khống người khác thì có thể sẽ bị pháp luật xử lý do có hành vi vi phạm pháp luật.
Cẩn trọng ranh giới giữa bất bình và xúc phạm
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác, khi công dân thực hiện quyền của mình thì việc thực hiện quyền công dân không được tách rời nghĩa vụ công dân, quyền công dân không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Hiện nay có nhiều nhóm anti được lập ra, trong đó có nhiều nội dung nói xấu, công kích một hoa hậu vừa đăng quang thì cần phải xem xét nội dung nói xấu, công kích đối với cô này có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của hoa hậu hay không? Đồng thời các nội dung nói xấu này có thuộc trường hợp là các thông tin bịa đặt, sai sự thật về hoa hậu này hay không?
Theo luật sư Ý, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Điều 16 Luật An ninh mạng quy định nghiêm cấm hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Người vi phạm (lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân) có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng theo nghị định 15/2020.
Nếu trường hợp xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc bịa đặt, vu khống gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 155 Bộ luật Hình sự về tội làm nhục người khác hoặc điều 156 Bộ luật Hình sự về tội vu khống. Tùy từng mức độ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm, mức phạt cao nhất đến 7 năm tù.
Ngoài ra, những người có hành vi nêu trên còn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Các chuyên gia nhận định vụ việc hoa hậu Ý Nhi và phong trào "anti-fandom" (chỉ nhóm người, cộng đồng không thích, thậm chí ghét một đối tượng) là ví dụ điển hình về tầm quan trọng của việc xây dựng danh tiếng và văn hóa ứng xử trên mạng.