Ngoài ông Diệp Dũng, cùng bị đề nghị truy tố về tội danh trên còn có ông Võ Thành Trung - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đô Thị Mới và Tôn Thất Hào - tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Đại Á.
Liên quan vụ án, các bị can bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Hồ Mỹ Hòa, Nguyễn Thành Nhân, Trần Trung Liệt, Hàng Thanh Dân, Phạm Thị Minh Ngọc, Nguyễn Thị Thùy Trang. Những bị can này từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại Saigon Co.op.
Ông Diệp Dũng đã sai phạm ra sao?
Tại kết luận điều tra bổ sung trước đó, cơ quan điều tra xác định số tiền 3.000 tỉ đồng mà các công ty tham gia góp vốn vào Saigon Co.op (huy động lần 1) có nguồn gốc từ Công ty Sài Gòn Vina (1.000 tỉ đồng), Công ty Bắc Mỹ An (800 tỉ đồng), Công ty Thùy Dương Đức Bình (750 tỉ đồng), Công ty Anh Anh Minh (150 tỉ đồng), Công ty Phước Hùng Anh (150 tỉ đồng), Công ty Đô Thị Mới (150 tỉ đồng).
Như đã thông tin, từ năm 1999 đến tháng 1-2020, Saigon Co.op có 9 lần tăng vốn điều lệ. Ở lần thứ 9, ông Diệp Dũng chỉ đạo tăng từ 3.200 tỉ đồng lên 6.797 tỉ đồng (tăng thêm 3.597 tỉ đồng, tương ứng 53%).
Hành vi này của ông Dũng, theo kết luận thanh tra là chưa đúng quy định của Luật Hợp tác xã, điều lệ tổ chức và hoạt động của Saigon Co.op.
Ngày 19-8-2016, ông Dũng đã tự ý dùng 1.000 tỉ đồng từ 3.000 tỉ đồng từ huy động vốn đặt cọc cho thương vụ mua lại chuỗi Big C Việt Nam. Tiếp đó, ông Dũng tự ý ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới với số tiền 1.000 tỉ đồng trên.
Theo hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đô Thị Mới và Công ty cổ phần địa ốc Đại Á, Saigon Co.op được nhận tỉ lệ lợi nhuận cố định 7%/năm. Tuy nhiên, sau đó ông Dũng tự ý ký thỏa thuận bổ sung điều chỉnh tỉ lệ lợi nhuận từ 7%/năm xuống còn 0%/năm, gây thiệt hại cho Saigon Co.op hơn 115,6 tỉ đồng.
Dòng tiền đầu tư từ đâu?
Đến ngày 5-6, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung ba nội dung liên quan đến việc giám định, làm rõ hoạt động giao dịch của một số tài khoản ngân hàng của Saigon Co.op; các hợp đồng tín dụng của bốn công ty góp vốn vào Saigon Co.op gồm: Công ty cổ phần khu du lịch Bắc Mỹ An, Công ty TNHH MTV Anh Anh Minh, Công ty TNHH Phước Hùng Anh và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đô Thị Mới.
Theo kết luận điều tra bổ sung, Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) ký kết hợp đồng tín dụng ngắn hạn (từ tháng 3-2016 đến tháng 3-2017) với bốn công ty trên. Các hợp đồng này đã được thực hiện xong, các công ty đã trả đủ gốc và lãi từ đầu năm 2017.
Ngân hàng không còn lưu giữ hồ sơ, hợp đồng tín dụng này trong kho lưu trữ do đã hết thời hạn lưu trữ trong ngành ngân hàng.
Ngân hàng đã cung cấp hồ sơ chứng từ gồm: đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ, phiếu giải ngân, ủy nhiệm chi, phiếu chuyển khoản của cả bốn công ty.
Cơ quan điều tra đã ghi lời khai người đại diện pháp luật của bốn công ty trên. Theo đó, khoảng tháng 3-2016, Công ty Phước Hùng Anh, Công ty Anh Anh Minh, Công ty Đô Thị Mới vay ngân hàng 450 tỉ đồng để hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần đầu tư Bắc Hà.
Các công ty này không biết Công ty Bắc Hà sử dụng số tiền hợp tác vào mục đích gì. Một năm sau, Công ty Bắc Hà đã chuyển trả tiền và các công ty đã tất toán hợp đồng vay.
Trong khi đó, tháng 3-2016, Công ty Bắc Mỹ An vay 800 tỉ đồng, mục đích hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần hàng không Vietjet thực hiện dự án trung tâm huấn luyện bay. Sau đó, Công ty Bắc Mỹ An chuyển cho Công ty Thiên Thai 400 tỉ đồng, chuyển cho Công ty Bất động sản Phú Mỹ 300 tỉ đồng và chuyển 100 tỉ đồng vào tài khoản của Saigon Co.op để tham gia góp vốn thực hiện thương vụ Big C.
Do thấy việc góp vốn không hiệu quả nên tháng 3-2017, Công ty Bắc Mỹ An đã chuyển nhượng phần vốn góp cho Công ty TNHH Địa Cầu Xanh với giá 109 tỉ đồng.
Công ty Bắc Mỹ An cho rằng không biết hai công ty trên sử dụng số tiền vay vào mục đích gì. Đến khoảng tháng 3-2017, hai công ty này đã chuyển trả lại tiền gốc và lãi cho Công ty Bắc Mỹ An.
Theo cơ quan điều tra, việc ngân hàng cung cấp đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ, phiếu giải ngân, ủy nhiệm chi, phiếu chuyển khoản của các công ty thể hiện rõ nguồn gốc số tiền mà các công ty chuyển cho các công ty khác để hợp tác đầu tư.
Việc Ngân hàng HDBank và các công ty chưa cung cấp được hồ sơ, hợp đồng tín dụng, hợp đồng hợp tác đầu tư không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.
Ngày 8-4, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố ông Diệp Dũng, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), về tội lạm quyền khi thi hành công vụ.