Thông tin được đưa ra ngay sau khi TSMC - hãng sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới của Đài Loan (Trung Quốc) công bố khoản đầu tư trị giá 3,5 tỷ Euro để phát triển một nhà máy tại nước này.
Đây sẽ là nhà máy bán dẫn đầu tiên mà TSMC đầu tư tại châu Âu và cũng là bước tiến quan trọng, giúp Đức nói riêng và châu Âu nói chung, rút ngắn khoảng cách với Mỹ và châu Á trong cuộc đua phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Reuters, với khoản đầu tư mới, TSMC sẽ sở hữu 70% cổ phần của liên doanh bán dẫn mới thành lập, phần còn lại thuộc về 3 công ty của Đức và Hà Lan. Nhà máy có tổng trị giá lên tới 10 tỷ euro, dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2027, sản xuất 40 nghìn tấm wafer/tháng cho ô tô, các sản phẩm công nghiệp và đồ gia dụng.
Dự án được coi là trọng tâm trong kế hoạch của chính phủ Đức nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là trong bối cảnh ngành sản xuất ô tô nước này đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì tính cạnh tranh toàn cầu
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Đức có lẽ đang trở thành địa điểm sản xuất chất bán dẫn chính ở châu Âu. Điều đó rất quan trọng đối với khả năng phục hồi của các cấu trúc sản xuất trên toàn thế giới. Nhưng nó cũng quan trọng đối với khả năng tồn tại trong tương lai của lục địa châu Âu và nước Đức".
Berlin dự kiến sẽ hỗ trợ 5 tỷ Euro cho nhà máy mới đặt tại bang Sachsen, nơi có cụm công nghiệp bán dẫn đóng góp tới một phần ba sản lượng của châu Âu. Chính quyền địa phương cũng sẽ chi tiền cho đào tạo và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ dự án đầu tư lớn nhất trong lịch sử của bang.
Ông Michael Kretschmer,Thủ hiến bang Sachsen, Đức, cho biết: "Một công ty bán dẫn hàng đầu thế giới đã quyết định đến Đức, để đầu tư vào bang của chúng tôi. Dự án này rất phù hợp với hệ sinh thái bán dẫn tại đây".
Trước đó, một tên tuổi lớn khác trong ngành bán dẫn là Intel cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 30 tỷ euro để xây dựng hai nhà máy tại Đức.
Ông Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Đức, nhận định: "Việc các doanh nghiệp lựa chọn địa điểm đặt nhà máy tại Đức đã chứng minh rằng Đức vẫn là một điểm đến hấp dẫn và có tính cạnh tranh. Thành công ngày hôm nay là một tín hiệu tốt đẹp cho triển vọng các ngành công nghiệp tương lai tại Đức".
Những thành công của Đức cũng là tín hiệu tích cực cho châu Âu, vốn đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách về năng lực sản xuất bán dẫn với Mỹ và châu Á. Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã phê duyệt kế hoạch trợ cấp trị giá 43 tỷ Euro, nhằm tăng gấp đôi thị phần bán dẫn toàn cầu lên 20% vào năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.30773631190803202-ua-uahc-iat-nad-nab-yam-ahn-ohc-orue-yt-gnah-ihc-cmst/et-hnik/nv.vtv