Như Thanh Niên đã thông tin, bà Phạm Thị Ngọc Tú (trú Quảng Bình), Giám đốc doanh nghiệp tư nhân thương mại du lịch Green star phải trả khoản vay cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) số tiền hơn 53,1 tỉ đồng, tài sản thế chấp là khách sạn Green star. Chi cục THADS TP.Đồng Hới được giao thực thi vụ việc.
Tuy nhiên, theo Viện KSND Quảng Bình, trong thời hạn thi hành án, đại diện theo ủy quyền của MB đã nhiều lần gửi đơn xác nhận đã thu nợ hơn 44 tỉ đồng, số tiền phải thi hành án còn lại đã được MB chấp thuận miễn giảm toàn bộ và đề nghị đình chỉ thi hành án số dư nợ còn lại, thực hiện các thủ tục để bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Phạm Thị Ngọc Tú. Tuy nhiên, Chi cục THADS TP.Đồng Hới không ra quyết định đình chỉ. Từ đó, Viện KSND tỉnh Quảng Bình kháng nghị vi phạm về việc không ra quyết định đình chỉ thi hành án theo yêu cầu đình chỉ của MB. Yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục THADS TP.Đồng Hới chấm dứt vi phạm nghiêm trọng và trả lời cho Viện KSND tỉnh.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP.Đồng Hới, cho biết đơn vị chưa đồng ý đình chỉ thi hành án theo yêu cầu đình chỉ của MB là vì 2 lý do. Theo bà Lan, tài sản khách sạn Green star là tài sản đã bị kê biên, không được phép giao dịch, vì thế việc có người thứ 3 (ông N.H.H) đã nộp số tiền hơn 44 tỉ đồng vào MB để mua tài sản khách sạn Green star là trái pháp luật. Vì thế, cơ quan thi hành án đề nghị các đương sự tự trả lại các khoản tiền này. Ngoài ra, theo bà Lan, số tiền mà ông H. chuyển vào MB để trả khoản tiền cho doanh nghiệp tư nhân thương mại du lịch Green star vẫn còn thiếu cả gốc cả lãi hơn 23 tỉ đồng, vì thế chưa có cơ sở để đồng ý việc đình chỉ thi hành án.
Giảm giá 4 lần tài sản đấu giá vì không có khách mua?
Mặc dù tài sản (khách sạn Green star) được bà Tú cầm cố tại MB cho khoản vay 44 tỉ đồng (nếu tính cả gốc và lãi đầy đủ hiện nay là hơn 67 tỉ đồng), nhưng mức giá công khai mà Chi cục THADS TP.Đồng Hới niêm yết để bán đấu giá thấp hơn khá nhiều.
Tiếp tục trao đổi với Thanh Niên, bà Lan cho biết ngân hàng cho vay bao nhiêu là việc của ngân hàng, còn tài sản này sau khi được kê biên, chấp hành viên đã chuyển cho cơ quan thẩm định giá độc lập định giá, họ định giá bao nhiêu thì cơ quan thi hành án áp giá để tổ chức đấu giá.
"Mức giá trong phiên đấu giá đầu tiên là 39 tỉ đồng. Tuy nhiên không có khách tham gia mua tài sản. Chiếu theo quy định chúng tôi nhiều lần phải giảm giá tài sản (giảm không quá 10% so với mức giá niêm yết gần nhất). Chúng tôi đã phải giảm giá nhiều lần, cho đến lần gần nhất (tổ chức đấu giá lần thứ 4) thì giá còn 28,9 tỉ đồng", bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, sẽ có ý kiến cho rằng vì sao khi tài sản kê biên "được bán" với giá 44 tỉ đồng thì cơ quan thi hành án không chấp nhận, mà lại đồng ý với mức giá niêm yết thấp hơn nhiều thông qua đấu giá. "Cơ quan thi hành án bán với giá nào thì cũng bán theo quy định của pháp luật. Còn với vụ việc này, các đương sự tự thỏa thuận mua bán với nhau, không có sự đồng ý của chấp hành viên, giá có là 100 tỉ đồng, 1.000 tỉ đồng thì cũng không đúng quy định của pháp luật", bà Lan nói.
Tuy nhiên, theo bà Lan, hiện nay Chi cục THADS TP.Đồng Hới đã đề nghị dừng đấu giá tài sản để giải quyết các khúc mắc liên quan.