Ngày 9.8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, mưa lớn, sạt lở đất trong 7 ngày (từ 2 - 8.8) tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Mưa lũ, sạt lở đất khiến 11 người chết (Lai Châu 4, Sơn La 1, Yên Bái 3, Lào Cai 1, Hà Giang 1, Thái Nguyên 1), 2 người mất tích (Lai Châu 1, Lào Cai 1), 5 người bị thương (Lai Châu 4, Cao Bằng 1); 58 nhà sập, 512 nhà hư hại; 725 ha lúa, hoa màu và 19 ha diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại; 25 công trình thủy lợi, công trình nước sạch, kè và 18 điểm trường học bị sạt lở, hư hỏng.
Về giao thông, sạt lở 224 điểm trên các tuyến quốc lộ: 4H, 279D, 32, 6, 70. Trong đó, hiện nay, QL279D, QL32 trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Yên Bái chưa thông xe. 229 điểm sạt lở trên các tuyến tỉnh lộ, giao thông địa phương; 1 cột 35 KV gãy đổ gây mất điện diện rộng tại H.Mù Cang Chải (Yên Bái).
Liên quan đến sự cố hồ thải của Công ty cổ phần đồng Tả Phời (TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai) gây ngập úng đối với khoảng 40 hộ dân, đến khoảng 16 giờ ngày 8.8, nước cơ bản đã rút hết. Lực lượng tại chỗ và của công ty đã khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục như khơi thông dòng chảy, hỗ trợ các hộ dân dọn dẹp vệ sinh. Hiện, các hộ dân bị ngập nước đã được bố trí ở tạm tại Trường tiểu học Tả Phời (xã Tả Phời).
Tại Tây nguyên, mưa lớn, sạt lở đất từ ngày 2 - 8.8 đã khiến 1 người chết (tỉnh Đắk Nông); 24 nhà bị hư hại (Đắk Nông); 135,6 ha lúa (Gia Lai), 41 ha cây trồng (Đắk Nông) và 2,12 ha ao cá (Đắk Nông) bị thiệt hại.
Trước đó, ngày 8.8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành và thủ trưởng cơ quan liên quan tiếp tục nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất.
Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng (nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng); khai thác, tập kết khoáng sản trái phép... để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.