Sắc lệnh hạn chế và cấm đầu tư một số lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc được Tổng thống Biden công bố ngày 9-8, trong chuyến thăm các bang khu vực tây nam nước Mỹ.
Trong thư gửi Quốc hội Mỹ, Tổng thống Biden mô tả sắc lệnh vừa ký như một tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với mối đe dọa về sự tiến bộ của các quốc gia như Trung Quốc.
Trong sắc lệnh, Tổng thống chỉ đạo Bộ Tài chính hạn chế hoặc cấm một số khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao nhạy cảm bao gồm chất bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI).
Sẽ có một số lĩnh vực bị cấm tuyệt đối không được đầu tư, phần lớn còn lại sẽ yêu cầu nhà đầu tư phải thông báo cho Chính phủ Mỹ biết, theo Hãng tin Reuters.
Các hạn chế, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm tới, được đưa ra khi chính quyền Biden đang tìm cách củng cố vị thế của mình trướcTrung Quốc trên nhiều mặt: quân sự, kinh tế và công nghệ.
Sắc lệnh nhắm mục tiêu là các công ty Trung Quốc phát triển phần mềm để thiết kế chip và công cụ sản xuất chúng. Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan thống trị các lĩnh vực đó trong khi Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách tự sản xuất để tự chủ công nghệ chip tiên tiến.
Một quan chức chính quyền Mỹ nói với Reuters rằng các quy định mới sẽ chỉ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư trong tương lai, không hủy bỏ các dự án hiện tại.
Lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer ca ngợi sắc lệnh của ông Biden, gọi đây là "bước đầu tiên mang tính chiến lược" để đảm bảo đầu tư của Mỹ không được dùng để tài trợ cho sự tiến bộ của quân đội Trung Quốc.
Chuyên gia Emily Benson, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ, bày tỏ hy vọng các khoản đầu tư vào AI sẽ bị cấm nếu xác định mục đích và người dùng cuối là quân đội Trung Quốc. Bà cũng kêu gọi với các khoản đầu tư còn lại vào AI, các nhà đầu tư chỉ cần thông báo cho Chính phủ Mỹ là đủ.
Tuy nhiên, việc này sẽ đặt gánh nặng không nhỏ cho Mỹ trong việc xác định công nghệ AI nào sẽ dùng trong quân đội.
Các đảng viên Cộng hòa thì cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Biden chưa đi đủ xa. Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ Marco Rubio chỉ ra những kẽ hở là việc Mỹ chưa tính đến tính lưỡng dụng của các công nghệ, ám chỉ khả năng sử dụng được cho cả dân sự lẫn quân sự.
Trong tuyên bố không lâu sau khi ông Biden ký sắc lệnh, Bộ thương mại Trung Quốc cho biết họ "quan ngại sâu sắc" về động thái này.
Bộ này cũng kêu gọi Mỹ tôn trọng nền kinh tế thị trường và nguyên tắc cạnh tranh công bằng, đồng thời kiềm chế các hình thức cản trở trao đổi hợp tác thương mại, đầu tư.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ thì bày tỏ sự thất vọng và cho rằng sắc lệnh sẽ "làm suy yếu nghiêm trọng lợi ích của các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc cũng như Mỹ".
"Trung Quốc sẽ theo sát tình hình và kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích của chúng tôi", tuyên bố có đoạn nêu rõ.
Từ việc mất sức hút trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài cho tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung, các công ty công nghệ Trung Quốc dường như đang trượt xuống dốc.