Sẽ thiết lập đơn vị chạy thận tại Bệnh viện huyện Cần Giờ là khẳng định của ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Đây là một trong các kế hoạch nằm trong đề án nâng cao năng lực y tế Cần Giờ, trong đó có lộ trình tái thành lập Bệnh viện huyện Cần Giờ.
Tại sao Cần Giờ không có đơn vị chạy thận?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ - giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ - cho biết vấn đề khó khăn mà địa phương đang gặp phải cả về nhân lực và trang thiết bị máy móc cho chạy thận. Đặc biệt khi không có nhân lực sẽ kéo theo việc không thể đầu tư trang thiết bị. "Cần Giờ đang thiếu bác sĩ trầm trọng" - bác sĩ Huệ nói.
Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bà con, bệnh viện phối hợp với UBND huyện có đăng ký tuyển dụng nhưng cuối cùng không được bác sĩ nào cả. Mới đây, khi biết lần đầu tiên ngành y tế TP.HCM tổ chức ngày hội việc làm dành cho nhân viên y tế, bệnh viện tiếp tục đăng ký 18 bác sĩ.
Theo ước tính của bác sĩ Huệ, hiện nay Cần Giờ có trên 40 bệnh nhân có chỉ định phải chạy thận. Tất cả đều phải lên các bệnh viện ở trung tâm thành phố chạy thận rất vất vả.
Có được đơn vị chạy thận đặt tại Bệnh viện huyện Cần Giờ, theo bác sĩ Huệ là niềm mơ ước của địa phương, nhất là các vùng xa như xã đảo Thạnh An. "Từ xưa đến giờ, chúng tôi vẫn định hướng trong bệnh viện có đơn vị chạy thận nhân tạo và cuối cùng chưa có, ước mơ ấy cũng đành gác lại…" - bác sĩ Huệ nói.
Hành trình vất vả...
Trước đó, báo Tuổi Trẻ đăng bài phóng sự về hành trình chạy thận của anh Huỳnh Tấn Tài (34 tuổi - một trong ba người suy thận giai đoạn cuối ở xã đảo Thạnh An, Cần Giờ). Chạy thận là bước đường cùng với anh Tài. Nhưng để được chạy thận lại là cả một hành trình vô cùng gian nan.
Từ chiều hôm trước, anh Tài được người thân "bế" lên ghe vào đất liền thuê trọ. Trắng đêm chàng trai 34 tuổi này cứ thấp thỏm chờ trời mau sáng để bắt xe đò lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chạy thận.
Nhìn hành trình di chuyển của anh Tài, người khỏe mạnh cũng thấy sợ. Cả đi lẫn về, nếu tính giờ thì mất 25 tiếng, nếu tính ngày thì mất hai ngày, một tuần ba lần mất đến sáu ngày đi chạy thận. Với căn bệnh của Tài đang mang, hành trình này chẳng khác nào hành xác, vậy nhưng bao năm anh không dám từ bỏ, dù mưa to, gió lớn, biển động.
Ngoài chạy thận, Thạnh An rất cần một tàu cấp cứu trên biển
Theo ông Tăng Chí Thượng, Thành ủy TP.HCM đã thông qua nghị quyết phát triển Cần Giờ trở thành thành phố du lịch sinh thái. Do đó, ngành y tế sẽ chọn Cần Giờ làm điểm đầu cho chiến lược củng cố toàn bộ hệ thống y tế nhằm phục vụ khách du lịch trong tương lai không xa.
Ngoài đơn vị chạy thận, ông nói ngành y tế rất mong muốn được đầu tư trang bị một tàu cấp cứu chuyên dụng cho xã đảo Thạnh An. Đây được coi là yêu cầu cấp thiết cần ưu tiên số 1.
"Chỉ có tàu cấp cứu vận chuyển người bệnh cần cấp cứu vào đất liền an toàn trong điều kiện sóng to, gió lớn. Tàu này sẽ phục vụ bà con xã đảo và cả những ngư dân đánh cá tại vùng biển Cần Giờ, Vũng Tàu" - ông Thượng nói.
TP.HCM đã sẵn có sông Sài Gòn làm trục phát triển từ những ngày đầu lập thành cách nay 325 năm. Nay, đô thị Nam Sài Gòn lại đang tiếp tục theo dòng sông mà vươn ra Biển Đông.