Chiều 10-8, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức buổi tọa đàm "Tiêm vắc xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm mùa hè".
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, cho biết: "Chúng ta nghĩ mọi người biết về lợi ích của việc tiêm vắc xin nhưng không hẳn như vậy".
Nhà báo Xuân Trung mong rằng qua buổi tọa đàm này, các chuyên gia sẽ cung cấp được nhiều thông tin hữu ích cho các bạn đọc: khi nào cần tiêm vắc xin, nên tiêm loại vắc xin nào để phòng bệnh, lợi ích của các vắc xin mới...
Những thông tin này cần thiết với bạn đọc của Tuổi Trẻ, đặc biệt là sắp tới trẻ em sẽ đến trường đi học trở lại.
Theo các chuyên gia, một trong các loại bệnh nguy hiểm và phức tạp là bệnh truyền nhiễm. Người dân đã hiểu đúng và đầy đủ về bệnh truyền nhiễm hay chưa?
Trong mùa hè này và mùa học sinh tựu trường sắp tới, phụ huynh cần trang bị các thông tin kiến thức gì để giúp cho trẻ có một sức khỏe tốt nhất? Những triệu chứng để nhận diện bệnh, cách phòng tránh?
Đây là những câu hỏi đang được nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Mỗi năm có hơn 1,5 triệu trẻ chào đời, cần tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe trong tương lai.
Nhiều chuyên gia uy tín tham dự buổi tọa đàm, bao gồm:
- TS Nguyễn Hoàng Tùng, phó viện trưởng Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế
- TS.BS Phạm Quang Thái - phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương;
- ThS.BS Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM
- BS. CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1
- BS Trương Hữu Khanh - phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM,
- BS.CKI Bạch Thị Chính - giám đốc y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC...
Diễn viên Ngọc Lan lo lắng trước dịch bệnh tay chân miệng đang gia tăng, nhiều ca nặng khi mùa tựu trường tới. Vậy khi nào mới có vắc xin tay chân miệng để cho những bà mẹ có con nhỏ như em an tâm?
Bà Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - trả lời: Hiện giờ chúng ta đang mong chờ vắcxin tay chân miệng. Trong lúc chờ vắcxin, các bà mẹ cần phải phòng bệnh cho trẻ, như thường xuyên rửa đồ chơi sạch sẽ bằng xà bông hoặc chất tẩy rửa thông thường.
Theo bà Nga, tại TP.HCM, "chúng tôi luôn luôn kiểm tra các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học, trong đó có dịch bệnh tay chân miệng. Để đảm bảo hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng thì không nên cho trẻ đi học, tránh lây bệnh cho trẻ khác và chăm sóc trẻ ở nhà sẽ tốt hơn".
TS Nguyễn Hoàng Tùng - Phó Viện trưởng Viện Kiểm định Quốc gia - cũng bày tỏ rằng, chưa khi nào vắc xin lại trở lên phổ biến đến như vậy. Trải qua những đại dịch như vậy càng thấy giá trị thật của vắc xin và giá trị thật của vắc xin trong việc phòng chống bệnh truyền nhiễm.
"Ở vai trò của chúng tôi, chúng tôi chia sẻ một chút với các bà mẹ và bác sĩ lâm sàng khi một liều vắc xin được triển khai tiêm cho cộng đồng cần trải qua sự kiểm tra nghiêm ngặt.
Việt Nam là vùng nhiệt đới gió mùa mùa. Mùa hè có nhiều bệnh truyền nhiễm có thể kiểm soát được vì đã có các vắc xin phòng bệnh được. Nhưng có hai bệnh đang nổi lên là sốt xuất huyết, chân tay chân miệng lại chưa có vắc xin.
Hiện nay chúng tôi đã nhận được một số đơn vị đã nộp hồ sơ về vắc xin sốt xuất huyết. Chúng tôi đang đánh giá và thử nghiệm lâm sàng trong thời gian sớm nhất, có thể chưa đến một năm nữa sẽ có vắcxin này.
Chúng tôi cũng đã nhận toàn bộ hồ sơ vắc xin tay chân miệng và kiểm định chất lượng, hi vọng sẽ có vắc xin này trong trong thời gian sớm nhất cho cộng đồng. Hy vọng sắp tới có thể sẽ có vắc xin tay chân miệng trong mùa tựu trường của các bé".
Tối 8-8, báo Tuổi Trẻ đã công bố 147 bài viết xuất sắc đoạt giải cuộc thi "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Bắt đầu nhận bài dự thi từ giữa tháng 6 vừa qua, cuộc thi viết đã thu hút hơn 600 bài viết của nhiều tác giả.