Mất điện được tổ chức này nhìn nhận là một nguyên nhân bên cạnh sức cầu yếu tác động đến khu vực chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu năm.
Từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, miền Bắc thường xuyên bị mất điện. Nguyên nhân là lượng điện tiêu thụ tăng mạnh trong khi thủy điện, một trong hai nguồn cung chính bị sụt giảm huy động do hạn hán. Nhiều doanh nghiệp có nhà máy tại các khu công nghiệp phía Bắc vì thế bị cắt điện trong nhiều giờ, liên tục trong tuần.
"Phí tổn kinh tế của các đợt mất điện miền Bắc vào tháng 5 và 6, khiến sản xuất bị gián đoạn, ước tính khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP", bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank, nói trong buổi họp báo sáng 10/8. Con số này được World Bank đưa ra dựa trên ước tính về nhu cầu điện chưa được đáp ứng là 36 GWh năm 2022 và khoảng 900 GWh ước tính cho tháng 5 và 6/2023 (theo Báo cáo vận hành của Trung tâm Điều độ và ước tính của chính đơn vị này).
Khảo sát của tổ chức này với các doanh nghiệp miền Bắc trong lĩnh vực công nghiệp cho thấy, tổn thất về doanh thu do mất điện lên đến 10%. Mặt khác, dựa vào ước thiếu hụt cung đến tháng 6, World Bank đánh giá, nhu cầu năng lượng không được đáp ứng cũng sẽ dẫn đến tổn thất về doanh thu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam khoảng 75 triệu USD.
Theo World Bank, miền Bắc đang gặp vấn đề về bất cân đối nguồn cung điện. Khu vực này có nhu cầu điện tăng nhanh hơn cả nước; có tính mùa vụ, đặc biệt trong các tháng 5 đến 7. Nguyên nhân là nguồn điện phía Bắc lệ thuộc chủ yếu vào thuỷ điện, điện than; đồng thời chậm trễ trong đầu tư sản xuất và truyền tải điện. Thiếu hệ thống truyền tải khiến miền Bắc bị hạn chế trong việc tiếp cận nguồn dư công suất lớn ở miền Nam (khoảng 20 GW).
"Thiếu điện là vấn đề cần xử lý quyết liệt. Phải sớm đầu tư vào hạ tầng truyền tải", bà Dorsati Madani nói. Trong báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh công bố tháng 7, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá thiếu điện có khả năng xảy ra theo chu kỳ và kiến nghị Chính phủ tập trung vào các kế hoạch dài hạn.
Phía World Bank cũng đề cập đến các biện pháp trước mắt như sớm có lịch biểu vận hành thương mại các nhà máy điện trong 2024, 2025; xử lý nhanh quy trình phê duyệt và triển khai đầu tư về truyền tải; đa dạng hóa các nguồn cung, chuyển từ cơ cấu năng lượng năm 2025 sang dựa nhiều hơn vào nguồn nhập khẩu trong khu vực.
Ngoài ra, các biện pháp tiết kiệm năng lượng cũng có thể đem lại tác động nếu thiết lập ngay hệ thống theo dõi và chỉ tiêu bắt buộc theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Cũng trong báo cáo hôm nay, World Bank dự báo GDP Việt Nam 2023 tăng trưởng 4,7%, sau đó phục hồi dần lên 5,5% vào 2024 và 6% vào 2025.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia World Bank, đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang gặp thách thức từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, qua đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế.
Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, bà lưu ý, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng, vì những lĩnh vực này là điều bắt buộc với tăng trưởng dài hạn.
Về xuất khẩu, World Bank đề xuất đa dạng hóa các sản phẩm và thị trường để xây dựng khả năng phục hồi trung hạn trước các cú sốc bên ngoài. Đồng thời, chính sách tài khóa có thể đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc khuyến khích thực hành và tiêu dùng xanh, góp phần xây dựng môi trường bền vững.
Đức Minh