Đây là thông điệp mà Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh nêu tại buổi họp báo Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023.
Hơn 12.700 người dự hội nghị văn hóa
Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023 là hội nghị ngành văn hóa được tổ chức lần đầu tiên ở Bình Phước với quy mô lớn, mang tính chiến lược trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước.
Đây còn là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp với 193 điểm cầu trong và ngoài tỉnh cùng hơn 12.700 đại biểu, cán bộ, người dân tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến.
Hội nghị có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa.
Qua đây chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, những nguyên nhân khách quan và chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm, nhận diện thời cơ, thách thức…
Từ đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp khả thi, tạo chuyển biến mới tích cực trong xây dựng văn hóa, con người Bình Phước trong thời gian tới. Trong đó, coi việc phát triển du lịch là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.
"Một điểm nữa là thu hút cho được các nhà đầu tư mũi nhọn, nhà đầu tư lớn, còn gọi là "đại bàng" mang những đặc trưng, đặc thù, bản sắc Bình Phước vào phát triển du lịch" - bà Minh nói.
Phục dựng lễ hội các dân tộc, đẩy mạnh phát triển du lịch
Ông Nguyễn Khắc Vĩnh, phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, cho hay trên địa bàn có 41 thành phần dân tộc nên văn hóa rất đa dạng và phong phú.
Thời gian qua tỉnh đã có nhiều biện pháp để duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa. Đồng thời nghiên cứu phục dựng các lễ hội như: mừng lúa mới của dân tộc S'Tiêng, phá bầu của dân tộc Khmer, kết bạn trong cộng đồng của dân tộc M'Nông… để đưa vào chương trình khai thác du lịch.
Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, mặc dù Bình Phước đông dân tộc, văn hóa nhiều nhưng chưa phát triển, thiếu rất nhiều nội dung. Các dịch vụ phụ kèm chưa phát triển đồng bộ như điểm lưu trú, vui chơi, trải nghiệm…
Một trong những nguyên nhân phát triển văn hóa khó khăn là tỉ lệ ngân sách đầu tư cho văn hóa thời gian qua chưa tương xứng, chỉ hơn 1% tổng chi ngân sách.
"Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Phước cố gắng rất nhiều trong đầu tư hoàn chỉnh thiết chế văn hóa, song các thiết chế văn hóa lớn như thư viện, bảo tàng vẫn chưa được đầu tư" - ông Vĩnh nói.
Cũng theo ông Vĩnh, hiện tỉnh đang xây dựng đề án Phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung giải quyết nhiều nội dung tồn đọng. Ngoài tăng cường bảo tồn, phát triển văn hóa còn thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa.
TTO - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vừa trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với 39 cây thuộc quản lý của Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước).