Trong khi tìm cách hạn chế dòng chảy đầu tư công nghệ về phía Trung Quốc và các nền kinh tế cạnh tranh, chính phủ Mỹ cũng đang tích cực quảng bá nhằm tăng cường nguồn vốn đầu tư trong nước, không chỉ về công nghệ cao, mà cả các cơ sở hạ tầng khác. Thông điệp này đã được thể hiện trong chuyến thăm mới nhất của Tổng thống Joe Biden tới bang New Mexico.
Tại bang New Mexico, Tổng thống Biden đã dự lễ động thổ một dự án nhà máy turbine gió, được phát triển lại từ một cơ sở sản xuất cũ. Tại đây, ông Biden đã một lần nữa nhấn mạnh những hiệu quả từ chính sách kinh tế hiện nay của ông, còn được báo chí Mỹ gọi với cái tên Bidenomics.
"Ban đầu báo chí dùng tên gọi Bidenomics với ý nghĩa không quá tích cực đâu. Nhưng nó đã vận hành rất tốt, nền kinh tế đã phát triển mạnh mẽ từ khi tôi nhậm chức. Chỉ trong 3 năm, chúng ta đã tạo ra 13 triệu việc làm mới, trong đó có 90.000 ngay tại New Mexico. Bây giờ chúng ta còn có số lượng việc làm cao hơn cả trước đại dịch", Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Biden cũng ca ngợi các chính sách này đã giúp mang lại một giai đoạn hồi sinh cho các ngành sản xuất cũng như thúc đẩy những lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo.
Phát biểu của ông Biden cũng trùng thời điểm Mỹ đánh dấu 1 năm thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học, với kế hoạch hơn 52 tỷ USD trợ cấp cho các dự án chip bán dẫn, cùng việc thúc đẩy những ngành công nghệ khác. Dù còn nhiều thách thức, nhưng theo Nhà Trắng, hàng trăm công ty đã bày tỏ sự quan tâm đến cơ hội từ kế hoạch này và đã có những cam kết đầu tư khổng lồ từ nhiều ông lớn ngành chip như TSMC, Intel hay Samsung.
Theo Tổng thống Biden, đây sẽ là cú hích lớn thúc đẩy làn sóng đầu tư sản xuất tại Mỹ mạnh mẽ hơn trong tương lai.
"Các bạn biết tổng cam kết đầu tư từ Đạo luật CHIPS và Khoa học hiện là bao nhiêu không? 230 tỷ USD. Chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư vào sản xuất để khắc phục chuỗi cung ứng, như vấn đề thiếu hụt chip bán dẫn hồi đại dịch", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói.
Dù vậy, ngay cả với chính ngành chip, việc thúc đẩy tiến độ các dự án mới vẫn còn chậm chạp và chi phí vận hành cao báo hiệu nước Mỹ sẽ vẫn còn nhiều thách thức nhằm gây dựng lại vị thế với ngành này cũng như các lĩnh vực then chốt khác trong thời gian tới.
VTV.vn - Tại Mỹ, giá dầu tăng đồng nghĩa các chi phí sinh hoạt và lạm phát có nguy cơ tăng trở lại và người tiêu dùng đã bắt đầu "ngấm" sự thay đổi này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.44141345101803202-taux-nas-hnagn-hnis-ioh-puig-scimonedib/et-hnik/nv.vtv