Như Thanh Niên thông tin, ông Phạm Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND H.Sóc Sơn (Hà Nội), thừa nhận sau khi Thanh tra TP.Hà Nội ban hành kết luận số 1085 và kết luận số 1125 vào năm 2019, đến nay hai bên sườn đồi và bờ hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, H.Sóc Sơn - nằm trong phạm vi quy hoạch rừng phòng hộ) tiếp tục xuất hiện thêm nhiều công trình vi phạm mới.
"Riêng ở xã Minh Trí, năm 2022, 2023 đã xử lý gần 30 trường hợp. Với các lều nhỏ trong rừng huyện đã phải ra quân phá dỡ 268 trường hợp", ông Ngọc nói.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, bên đường ven hồ Đồng Đò là các công trình kiên cố, lưng tựa núi, mặt hướng hồ. Sát mép hồ, nhiều công trình đang có dấu hiệu xây dựng dở dang. Trên sườn núi xuất hiện nhiều vị trí được san gạt, kè bờ kiên cố và tạo lối đi.
Cũng theo ông Ngọc, thời gian vừa qua địa phương rất kiên quyết trong công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Tháng 6 vừa qua, huyện đã tạm đình chỉ 3 phó chủ tịch UBND các xã: Minh Trí, Nam Sơn, Mai Đình để tập trung vào công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Trước đó, đã có 2 chủ tịch xã bị kỷ luật vì để địa bàn xảy ra nhiều vi phạm.
Xử nghiêm nhưng năm nào rừng cũng mất ?
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bức xúc khi tình trạng "xẻ thịt" rừng phòng hộ Sóc Sơn ngang nhiên diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, kéo dài từ năm này qua năm khác. "Đất rừng phòng hộ bị xâm hại, công trình nhà cửa mọc lên to đùng như vậy mà chẳng lẽ không ai hay biết để ngăn chặn ngay từ đầu? Càng bất ngờ hơn là sự việc lại xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, ngay thủ đô. Đọc mà không tin vào mắt mình", BĐ Nguyễn Hào bức xúc.
Tương tự, BĐ Dinh Huynh ý kiến: "Câu chuyện muôn thuở. Làm cái chuồng heo thì một tiếng sau cán bộ đến bắt bẻ, xử phạt. Bạt cả quả đồi làm biệt thự nhiều năm không ai hay. Hỏi đến trách nhiệm thì than vãn...".
Còn BĐ Tien viết: "Vấn đề này người dân Sóc Sơn bức xúc bao nhiêu năm nay. Qua bao đời chủ tịch năm nào cũng nói xử lý nghiêm rồi lại vẫn thế. Xử lý nghiêm nhưng năm nào cũng có thêm nhà mới xây, rừng bị hao hụt".
"Lấn rừng, lấn sông, lấn rạch, lấn biển để tạo của riêng cho mình xảy ra ở khắp đất nước. Thử nghĩ nếu không có sự tiếp tay hợp thức hóa thì sao họ dám làm? Pháp luật có nghiêm minh hay không còn tùy thuộc vào cán bộ có tâm huyết, trách nhiệm với công việc được giao, còn ngược lại dù có rào cản pháp lý cách mấy thì con voi cũng có thể chui lọt lỗ kim", BĐ Q.V thẳng thắn.
Cơ quan công an cần vào cuộc
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội), vài năm trước, nhiều cán bộ địa phương đã bị xử lý, nhưng thời gian gần đây rừng phòng hộ ở H.Sóc Sơn tiếp tục bị "xẻ thịt" đã thể hiện mức độ vi phạm ở nơi này có tính hệ thống, dây chuyền. Thậm chí, việc xử lý vi phạm trước đó chưa dứt điểm, chưa nghiêm, nhiều người tiếp tục vi phạm, vì họ nghĩ rằng mình đã có "ô dù" bao che. Đại biểu Hòa phân tích: trách nhiệm thuộc về lãnh đạo UBND H.Sóc Sơn và lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cần cương quyết xử lý địa phương này vì có sự yếu kém trong công tác quản lý rừng phòng hộ.
Cùng quan điểm với đại biểu Phạm Văn Hòa, tuy nhiên BĐ Đoàn Minh còn đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra. "Đây là sai phạm có chủ đích và hệ thống chứ không đơn giản thiếu trách nhiệm trong quản lý. Để dứt điểm vấn nạn này thì chỉ có lực lượng công an vào cuộc làm rõ", BĐ này ý kiến.
Tương tự, BĐ Quang Hòa viết: "Đã gọi là rừng phòng hộ thì nó phải có mục đích và ý nghĩa của nó. Vậy mà còn vi phạm. Cần phải quy trách nhiệm cụ thể, đồng thời xử lý hình sự thôi, chả có cách nào khác".
"Ngoài xử lý hình sự những người vi phạm thì phải phá bỏ hết con đường bê tông xâm phạm rừng, xong cưỡng chế tiếp phá bỏ các công trình không phép, trả lại hiện trạng ban đầu. Chi phí cưỡng chế thì những người vi phạm phải trả. Giữa thủ đô mà lộng hành thế này thì không chấp nhận được", BĐ Nguyễn Tâm thẳng thắn.