Hàng loạt doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng đang lâm vào cảnh điêu đứng khi tiền thuê đất tăng cao chóng mặt, thậm chí tăng 3,6 - 9,4 lần. Nhiều doanh nghiệp cho biết phải chạy vạy khắp nơi vay tiền để nộp tiền thuê đất, nếu không muốn bị cưỡng chế, dừng hoạt động.
Ba năm chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, nhiều khu du lịch lớn ven biển Đà Nẵng đã mở cửa trở lại. Dù vậy, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, lượng khách du lịch trong nước không nhiều và khách quốc tế cũng chưa quay trở lại như mong đợi, ngành du lịch chưa hồi phục hoàn toàn, nhiều khu du lịch hoạt động cầm chừng. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho biết đã bị bồi thêm gánh nặng bởi tiền thuê đất tăng nhiều lần, khó khăn chồng thêm khó khăn.
Tiền thuê đất tăng 360 - 948%!
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Trung - tổng giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Non Nước, chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Meliá Đà Nẵng - cho hay đã bị sốc khi nhận thông báo tiền thuê đất tăng dựng đứng. Theo đó, kể từ kỳ thuê đất 2022 - 2026, dự án này phải nộp gần 26,5 tỉ đồng/năm. Trong khi đó, tiền thuê đất kỳ liền trước (2017 - 2021) 7,3 tỉ đồng/năm, tăng hơn 360%. Nếu so với kỳ thuê 2012 - 2016 là 2 tỉ đồng, tiền thuê đất tại dự án này tăng hơn 1.300%!
Để không bị cưỡng chế thuế, phong tỏa tài khoản, doanh nghiệp phải vay ngân hàng đóng tiền thuê đất. Ông Trung cho hay đây chỉ là giải pháp tình thế bởi nếu tiền thuê đất vẫn neo cao như hiện nay sẽ không có doanh nghiệp nào cầm cự nổi và dẫn tới nguy cơ phá sản hàng loạt. Chẳng hạn, trong năm 2022, tổng doanh thu khu nghỉ dưỡng Meliá 37 tỉ đồng nhưng riêng tiền thuê đất 26,5 tỉ đồng.
"Trừ chi phí vận hành, trả lương lao động, doanh nghiệp không cân đối được nguồn tiền đóng ngân sách. Đến nay, giữa mùa du lịch hè công suất buồng phòng mới đạt 50% bởi khách quốc tế chưa quay lại. Chúng tôi mong cơ quan chức năng nhìn thấy khó khăn của doanh nghiệp để có hướng hỗ trợ tháo gỡ, giúp tránh khỏi cảnh phá sản!" - ông Trung nói.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hàng chục dự án du lịch ven biển Đà Nẵng đang gặp khó vì tiền thuê đất. Chẳng hạn, trong kỳ thuê đất 2020 - 2024, tiền thuê đất của dự án khu du lịch thể thao biển quy mô 2ha (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), do Công ty CP San Hô đầu tư, mà doanh nghiệp phải nộp là 28,45 tỉ đồng/năm, tăng 948% so với kỳ thuê liền trước 2015 - 2019 (3 tỉ đồng/năm).
Tương tự, trong kỳ thuê 2021 - 2025, số tiền thuê đất của dự án khu vui chơi giải trí và thể thao biển Danabeach (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) của Công ty CP Quê Việt, với quy mô hơn 7.000m2, tăng hơn 766% so với kỳ thuê đất 2016 - 2020, khi doanh nghiệp chỉ phải nộp 900 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Anh Minh, chủ đầu tư, cho hay do kinh tế năm 2022 gặp khó khăn, không xoay kịp tiền để trả tiền thuê đất, doanh nghiệp bị phạt chậm nộp hơn 500 triệu đồng.
"Khi đầu tư làm du lịch, doanh nghiệp bỏ tiền tỉ thu tiền lẻ, chưa kể tình hình kinh doanh đang rất khó khăn, doanh thu thấp hơn nhiều so với trước. Mỗi đêm lác đác vài chục khách đến khu du lịch, thu không đủ bù chi phí vận hành, trả lương nhân sự. Do đó, giai đoạn này doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ tháo gỡ từ cơ quan chức năng để sống sót thay vì phải chạy đôn chạy đáo xoay tiền để nộp tiền thuê đất nếu không muốn bị phạt", ông Minh nói.
Cần giảm tiền thuê đất để nuôi dưỡng nguồn thu
Trước đó, chủ đầu tư một dự án nghỉ dưỡng rất lớn ven biển quận Ngũ Hành Sơn đã bị Cục Thuế TP cưỡng chế thuế vì không nộp được tiền thuê đất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, kỳ thuê đất 2022 - 2026, tiền thuê đất là 120,92 tỉ đồng/năm, tăng 344% so với con số 35,13 tỉ đồng/năm trong kỳ thuê đất 2017 - 2021.
Doanh nghiệp này cho hay đã không xoay được nguồn tiền để nộp ngân sách. Nhiều doanh nghiệp tương tự cũng đã bị cưỡng chế thuế. Một số doanh nghiệp cho biết tiền thuê đất tại Đà Nẵng quá cao, mỗi kỳ mỗi tăng mạnh, vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Theo các doanh nghiệp, đơn giá đất được TP Đà Nẵng ban hành cao, cách vận dụng đơn giá này để tính tiền thuê đất cho các dự án ven biển cũng không hợp lý.
"Khi làm dự án, các chỉ số tài chính đầu vào phải ổn định, bao gồm tiền thuê đất. Doanh nghiệp có thể dự phòng biên độ dao động hằng năm trong khoảng 5-10% nhưng tăng vù vù tới mấy trăm phần trăm, không ai tính nổi!", một doanh nghiệp bức xúc và cho biết các doanh nghiệp ven biển vừa có đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng.
Theo đó, trong văn bản kêu cứu, các doanh nghiệp đề nghị được giảm tiền thuê đất, không phong tỏa tài khoản và không tính tiền chậm nộp. Theo các doanh nghiệp, những dự án nghỉ dưỡng ven biển có quy mô lớn nhưng thực tế phần diện tích được phép xây dựng công trình rất thấp, chỉ từ 18-30% tùy dự án.
Phần diện tích còn lại chỉ sử dụng làm đất trồng cây xanh, tạo cảnh quan không trực tiếp sinh lợi nhưng vẫn nộp tiền thuê đất như đất thương mại dịch vụ là bất hợp lý. Do đó, cần phải có cách tính khác phù hợp đối với phần diện tích này hoặc cho phép doanh nghiệp được tăng diện tích xây dựng công trình phục vụ kinh doanh.
Theo các doanh nghiệp, việc tăng tiền thuê đất cần phải xem xét bối cảnh kinh tế cùng thời điểm và có tăng thì phải có giảm. Khi kinh tế sôi động, giá bất động sản tăng cao, tiền thuê đất tăng là có cơ sở. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, các ngành kinh tế suy giảm vì dịch bệnh, thị trường bất động sản lao dốc, bảng giá đất cần phải được tính lại để phản ánh sát diễn biến thị trường.
Các doanh nghiệp cho rằng cần xem việc giảm khung giá đất, giảm tiền thuê đất là sự điều chỉnh về mức hợp lý, không phải chỉ vì quyền lợi doanh nghiệp. Bởi nếu không điều chỉnh, doanh nghiệp sẽ đóng cửa, phá sản, kéo theo kinh tế đình trệ. "Do đó, giảm tiền thuê đất cũng là cách để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách. Trong thẩm quyền chính quyền cấp tỉnh, địa phương hoàn toàn có thể thực hiện việc này", một doanh nghiệp khẳng định.
Kiến nghị gỡ vướng cách tính giá đất
Theo cơ quan chức năng TP Đà Nẵng, bảng giá đất năm 2019 ban hành tương đối tiệm cận giá thị trường. So với mặt bằng chung cả nước, giá đất tại Đà Nẵng cao hơn các tỉnh khác nhưng không cao hơn giá thị trường nên việc điều chỉnh giảm có khó khăn. Để hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương đã điều chỉnh tỉ suất phần trăm tính tiền thuê đất về mức tối thiểu 1% so với các mức 1,2 - 1,3% trước đây.
Về đề xuất áp tiền thuê đất khác nhau giữa phần đất xây dựng công trình và đất cảnh quan cây xanh, cơ quan chức năng TP Đà Nẵng cho hay đã kiến nghị Bộ TN-MT hướng dẫn cách tính. Theo đó, cơ quan này kiến nghị theo hướng chỉ tính giá đất thương mại - dịch vụ với diện tích xây dựng công trình. Đối với đất cảnh quan cây xanh, cho phép tính theo giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Nếu kiến nghị được thông qua, có thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bảng giá đất vẫn thấp hơn giá thị trường?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phan Thị Tuyết Nhung, trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, cũng thừa nhận tiền thuê đất trong bảng giá đất hiện nay rất cao so với thời kỳ trước. Theo bà Nhung, nguyên do là bảng giá đất này được xây dựng vào năm 2019, khi thị trường bất động sản sôi động.
Do vậy, khi tính lại chu kỳ thuê đất mới sau năm 2020, tiền thuê đất được áp rất cao. Trong khi đó, 3 năm vừa qua, do bị ảnh hưởng dịch bệnh, kinh tế lắng xuống nhưng địa phương không điều chỉnh bảng giá đất, gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Do vậy, theo bà Nhung, HĐND TP đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu cách tính giá đất phù hợp, vận dụng các quy định pháp luật gia hạn tiền thuê đất trong trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh...
Với đề nghị giảm khung giá đất, theo bà Nhung, bảng giá đất được điều chỉnh theo chu kỳ 5 năm, hằng năm tùy diễn biến thị trường có thể điều chỉnh tăng giảm trong biên độ 20%. Tuy nhiên, bảng giá đất hiện nay vẫn còn thấp so với giá thị trường nên việc điều chỉnh giảm rất khó (?).
Quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sẽ ban hành năm 2023 khoảng 200.000 tỉ đồng, trong đó miễn, giảm 79.000 tỉ đồng, gia hạn 121.000 tỉ đồng.