Thanh chưa từng làm gì liên quan đến văn chương hay sách. Và nữ tác giả Leslie C.Youngblood cũng thuộc vào số ít tác giả da màu viết về cuộc sống của người Mỹ gốc Phi có sách được xuất bản tại Mỹ.
Kẻ ngoại đạo văn chương
Gọi là dịch giả, với Đan Thanh nghe có vẻ hơi to tát. Qua Mỹ học đại học, rồi thạc sĩ và làm việc trong ngành marketing vốn chẳng liên quan gì đến văn chương, sách vở.
Cô gái kể, như bao du học sinh khác, mình đã phải nỗ lực rất nhiều, vượt bao khó khăn trong cuộc sống tự lập nơi xứ người vốn không dễ dàng gì.
Là dân marketing, tự nhận "ít dính dáng đến văn chương" nhưng Thanh hay đọc, đôi khi phát hiện được những cuốn sách hay và hiếm. Ngay khi đọc Yêu như bầu trời, cô gái nhận ra tác phẩm dung chứa nhiều câu chuyện khá thời sự và phần nào đó cần cho bạn đọc trong nước. Cô nên liền liên hệ với tác giả và được đồng ý chuyển ngữ để xuất bản tại Việt Nam.
Từng sống ở Chicago, có nhiều người bạn da đen, Đan Thanh nói lý do chọn dịch cuốn sách này: "Tôi thích cách viết đơn giản nhưng nhiều cảm xúc của tác giả. Cái nhìn đầy tình cảm với các vấn đề gia đình, các nhân vật chân thật đáng yêu và dễ đồng cảm".
Thanh nói đề tài này chưa được khai thác nhiều ở Việt Nam. Cô muốn mọi người có cái nhìn bao dung và thiện cảm hơn với những gia đình tái hôn, cách cư xử trưởng thành của người lớn, sự trung thành ngây thơ của những bạn nhỏ có rung động trong trẻo và yêu thương vô điều kiện.
Ban ngày làm việc, Thanh chỉ có đêm khuya và chăm chỉ dịch cuốn Yêu như bầu trời. Công việc ấy phần nào giúp cô vơi bớt nỗi nhớ nhà. Cô gái tự biết hạn chế của kẻ ngoại đạo với văn chương như mình, cộng với cái khó của thị trường xuất bản trong nước, nhưng vẫn mong được góp mặt với văn hóa nước nhà bằng chuyển ngữ tác phẩm văn học có giá trị ở xứ người.
"Sách của tôi viết về người da đen hạnh phúc"
Đan Thanh đã nhiều lần trò chuyện cùng nữ tác giả da màu Leslie C.Youngblood để hoàn thiện việc dịch cuốn sách này, với mong muốn đem lại cảm xúc chân thật nhất cho người đọc qua bản dịch của mình.
Dưới đây là một phần trao đổi của Đan Thanh với tác giả Leslie C.Youngblood.
* Điều gì đã gợi cảm hứng để chị viết về những mối quan hệ và sức mạnh bền bỉ của gia đình? Chị mong truyền tải điều gì đến bạn đọc nhỏ tuổi?
- Khi bắt đầu, tôi cũng chưa có ý tưởng về diễn biến câu chuyện. Nhưng em tôi luôn cổ vũ và tin tưởng. Khi em tôi qua đời vì bạo lực súng đạn, tôi rất đau khổ và viết lách trở thành niềm an ủi. Mạch truyện cứ ra tự nhiên và tôi đã nhanh chóng hoàn thành cuốn sách, đề tặng cho em trai.
Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm về nỗi đau mất mát người thân. Điều này giúp tôi dễ dàng kết nối với những đứa trẻ có người thân mất sớm.
Trẻ con thông minh hơn người lớn nghĩ rất nhiều. Chúng muốn giúp đỡ, muốn biết cách xử lý cảm xúc của mình.
Trong khi đó, người lớn quá bận rộn để lắng nghe hoặc không chia sẻ những lo lắng thật với chúng. Như nhân vật G-baby luôn muốn giúp em mình nhưng không biết phải làm sao. Ba mẹ bận lo cho em trai bị ốm nên không có thời gian.
Câu chuyện cũng ca ngợi tình cảm anh chị em, bạn bè thân thiết, lòng dũng cảm, tự biết đứng lên bảo vệ bản thân và người khác. Qua nhân vật Kevin tôi muốn nói rằng đôi khi chúng ta không biết hết khó khăn đời người khác, vậy không nên vội đánh giá họ.
* Chị nghĩ tác phẩm này sẽ tạo nên ảnh hưởng gì với bạn đọc Việt Nam và có muốn nói gì với họ?
- Tôi hy vọng bạn đọc Việt Nam sẽ cảm nhận tình cảm gia đình gắn bó, hiểu hơn về văn hóa của người Mỹ gốc Phi và nhận ra rằng con người chúng ta giống nhau nhiều hơn là khác biệt. Tôi rất vui sướng khi biết sách được dịch ra tiếng Việt và mong các bạn yêu quý cuốn sách.
Có nhiều sách về người da đen thường do người da trắng viết. Chỉ gần đây sách của người da đen viết mới được quan tâm. Trong nhiều tác phẩm, phim ảnh, người da đen chỉ đóng vai trò phụ, những nhân vật thấp kém, xấu xa, tội phạm.
Sách của tôi viết về người da đen hạnh phúc và có những kết cục tốt đẹp. Tôi khắc họa những nhân vật da trắng trong cái nhìn trung lập, là những con người chân thật.
* Chị cho rằng việc đọc sách có lợi gì với trẻ em, cách nào để khuyến khích trẻ em đọc và viết nhiều hơn?
- Tập cho trẻ đọc sách sớm là dạy chúng biết thấu cảm. Các nhân vật trong sách có thể là những con người có trong cuộc đời thật.
Khi đi giao lưu với trẻ em, cách tôi thường làm để khuyến khích trẻ đọc và viết chính là gợi cho các em chia sẻ những vấn đề cá nhân, và tùy theo sở thích của từng em mà gợi ý chúng đọc những sách phù hợp.
Hoạt động viết sáng tạo khác nhau, nếu em không thích viết mà thích vẽ thì tôi khuyên hãy vẽ truyện tranh. Quan trọng là ta phải thực sự quan tâm đến chúng.
Yêu như bầu trời: Cuốn sách tràn ngập tình yêu thương
Cuốn sách này được Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam phát hành, đang bán tại Việt Nam. Năm năm sau ngày ra mắt, cuốn sách đến nay vẫn ăn khách. Đó là câu chuyện về trẻ em trong những gia đình không trọn vẹn, bố mẹ tái hôn với người khác và thành các gia đình mới.
Trong bối cảnh ấy, bé G-baby lớn lên giữa các mối quan hệ. Mà điều này dễ bắt gặp đâu đó khá gần gũi trong đời sống tại Việt Nam.
Vashti Harrison - tác giả có sách bán chạy do New York Times bình chọn - nói về cuốn sách này: "Tràn ngập sự hấp dẫn và tình yêu thương. Bạn đọc sẽ ngay lập tức yêu mến G-baby, một cô bé hào hiệp, luôn hết mình tìm cách giúp đỡ mọi người xung quanh".
TTO - Chủ nhật lạnh giá đầu đông của Hà Nội, hơn 200 trẻ em và cha mẹ đã đến dự buổi ra mắt sách Unstoppable Us - Không thể dừng bước do Lily (Hồ An Nhiên), 10 tuổi, chuyển ngữ từ tiếng Anh.