Những bông hoa màu hồng rêu nở rộ dưới chân núi Phú Sĩ ở Fujikawaguchiko, tỉnh Yamanashi, Nhật Bản. Ảnh: kyodonews.net
Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản với độ cao 3.776m. Chính quyền dự đoán trong mùa leo núi năm 2023, bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc vào ngày 10/9, núi Phú Sĩ sẽ đón một lượng lớn du khách từ cả Nhật Bản và nước ngoài, do Nhật Bản tiến hành lễ kỷ niệm 10 năm núi Phú Sĩ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới và chính phủ đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đi lại trong thời kỳ dịch COVID-19.
Dự kiến số người leo núi có thể lên đến khoảng 300.000 lượt người, tương đương mức của năm 2013 - năm núi Phú Sĩ được UNESCO công nhận. Các tổ chức liên quan cũng đang yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người leo núi.
Để dự phòng tình huống có quá nhiều du khách đến leo núi, chính quyền vùng Yamanashi đã chuẩn bị các biện pháp giúp nhanh chóng kiểm soát đám đông, đánh dấu lần đầu tiên biện pháp này được đưa ra.
Tuy nhiên, đây không phải là lệnh cấm hoàn toàn mà để hướng dẫn khách khi họ tìm đến các tuyến đường leo núi, trong đó không loại trừ khả năng yêu cầu khách tạm hoãn lịch trình vì tuyến đã quá đông người. Theo chính sách này, cảnh sát địa phương sẽ nhận được thông tin cảnh báo và sẵn sàng can thiệp nếu các tuyến đường leo núi quá đông làm gia tăng nguy cơ lở đá và đe dọa an toàn cho người leo núi.
Thống đốc tỉnh Yamanashi, Nagasaki Kotaro nhấn mạnh núi Phú Sĩ là một địa điểm đẹp, hấp dẫn để khám phá nhưng cũng có thể là một ngọn núi nguy hiểm nếu như người leo núi chưa có sự chuẩn bị và trang bị phù hợp. Thống đốc Kotara cho biết hằng năm có rất nhiều người leo núi cần được cấp cứu do say độ cao hoặc bị thương.
Từ những kinh nghiệm thực tế và dự đoán về số người leo núi Phú Sĩ tăng mạnh trong năm 2023, chính quyền cảnh báo các hình thức leo núi có thể gây nguy hiểm trong đó đáng chú ý là "bullet climbing" và việc leo núi không trang bị đầy đủ các vật dụng cần thiết.
"Bullet climbing" là hình thức leo lên núi trong đêm để đón bình minh trên đỉnh núi sau đó trở về ngay mà không nghỉ qua đêm. Theo nhà chức trách, "bullet climbing" rất nguy hiểm, vì có thể dẫn đến mệt mỏi và say độ cao. Trong khi đó, leo núi với trang bị gọn nhẹ, thiếu thiết bị cần thiết (ví dụ: quần áo nhẹ, giày dép không phù hợp…) có thể dẫn đến ngã, chấn thương và hạ thân nhiệt.
Trước đó, thị trưởng của 6 địa phương ở tỉnh Yamanashi (nơi có núi Phú Sĩ), cùng với người đứng đầu "Mount Fuji Yoshidaguchi Ryokan Kumiai" - một hiệp hội các cơ sở lưu trú dọc theo đường mòn Yoshida trên phía Bắc của ngọn núi Phú Sĩ, đã ký tên vào một thư kiến nghị trong đó bày tỏ lo ngại về các vấn đề như gia tăng tai nạn do những du khách không đặt được chỗ tại các cơ sở lưu trú cố gắng leo núi theo kiểu "bullet climbings".
Trong khi chào đón du khách trong và ngoài nước đến núi Phú Sĩ, chính quyền địa phương đồng thời tổ chức một chiến dịch nhằm truyền bá nhận thức về sự nguy hiểm của việc leo núi Phú Sĩ mà không có sự chuẩn bị cần thiết, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn đối với người leo núi./.