vĐồng tin tức tài chính 365

Huế: Người dân thấp thỏm vì mua trái phiếu qua ngân hàng

2023-08-12 03:55

Mang tiền "rẽ lối" trái chủ ôm mối sầu lo

Những ngày này, chị N.T.T.T, trú ở phường An Đông (TP.Huế) như ngồi trên đống lửa vì trước đó, “lỡ dại” mua phải trái phiếu thông qua sự tư vấn từ nhân viên ngân hàng.

Tài chính - Ngân hàng - Huế: Người dân thấp thỏm vì mua trái phiếu qua ngân hàng

Ảnh minh hoạ.

Theo tường thuật của chị T., trước đó vào tháng 8/2022, biết được chị vừa mới bán đất được 3 tỷ đồng, chị H.H.P, lúc ấy là Giám đốc chăm sóc khách hàng, chi nhánh một ngân hàng TMCP tại Thừa Thiên-Huế  đã gợi ý chị này gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Chị T. cho biết, ý định ban đầu của chị là đến ngân hàng để gửi tiết kiệm, thế nhưng trong quá trình trao đổi, chị P. đã tư vấn chị nên mua trái phiếu với lãi suất ưu đãi 10,2%/năm.

“Lúc này, chị P. nói với tôi là mua trái phiếu từ ngân hàng vừa an toàn mà lãi suất cao. Đồng thời, chị này cũng khẳng định là việc mua trái phiếu thế này hoàn toàn không khác gì gửi tiết kiệm. Và bảo mặc dù có thêm doanh nghiệp thứ ba nhưng phía ngân hàng sẽ đứng giữa đảm bảo cho khách hàng, vì doanh nghiệp thứ ba này họ có tài sản thế chấp ở ngân hàng nên nếu gặp sự cố, ngân hàng sẽ đứng ra chịu trách nhiệm. Với những lời mời chào như thế, cùng với sự tin tưởng vì trước đó cũng đã giao dịch nhiều lần nên tôi đã cân nhắc”, chị T. kể.

Chị T. kể tiếp, sau đó, chị P. liên tục gọi điện hối thúc chị đăng ký để nhận ưu đãi và nói đừng lo lắng vì trước đó đã có người gửi cả 10 tỷ đồng.

Cũng theo lời chị T., sau khi gửi 3 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng, chị này đã đến phòng giao dịch để ký hợp đồng tham gia mua trái phiếu ngân hàng, đồng thời ký giấy uỷ nhiệm chi được ngân hàng soạn sẵn trước đó. Sau đó, chị  được nhân viên ngân hàng báo là khi nào có hợp đồng về sẽ gọi đến lấy.

Sau hơn 10 ngày, chị T. qua ngân hàng để lấy hợp đồng thì phát hiện trong hợp đồng, chỉ có 2 bên ký là phía công ty bán trái phiếu và nhà đầu tư là bản thân mình, nhưng không hề có một con dấu hay chữ ký nào của phía bên ngân hàng để đảm bảo cho mình như trước đó nhân viên ngân hàng đã tư vấn là sẽ đứng giữa chịu trách nhiệm.

“Trước thắc mắc về việc tại sao không có sự đảm bảo của phía ngân hàng trong hợp đồng, thì chị P. chỉ giải thích kiểu qua loa, bảo cứ yên tâm, miễn sao đến đúng ngày 22/8/2023 trong hợp đồng, phía tôi sẽ nhận đủ số tiền 3 tỷ 306 triệu đồng vô chính tài khoản đã chuyển đi trước đó. Do tin những lời tư vấn, lời hứa về trách nhiệm phía ngân hàng của chị P., tôi đã miễn cưỡng lấy hợp đồng …”, chị T. kể.

Ngồi trên đống lửa, "tiến thoái lưỡng nan"

Tuy nhiên, theo lời chị T., từ đó đến nay, chị luôn sống trong tình trạng thấp thỏm vì lo lắng số tiền mà mình định gửi tiết kiệm giờ lại đi mua trái phiếu của một doanh nghiệp mà bản thân không nắm bắt được thông tin gì.

Đến cuối tháng 7/2023, sự việc càng khiến chị T. lo lắng hơn khi chị nhận được tờ thông báo của doanh nghiệp mà chị đã mua trái phiếu về việc đề nghị gia hạn thời hạn đầu tư vì gặp phải khó khăn. 

Lúc này, chị mới tìm hiểu thêm về công ty mình mua trái phiếu thì tá hoả phát hiện từ năm 2019, công ty này liên tục làm ăn thua lỗ.

 “Không hiểu vì sao, dù làm ăn thua lỗ vậy mà phía cán bộ ngân hàng vẫn tư vấn và mời chào tôi mua trái phiếu của công ty này, giờ tôi như ngồi trên đống lửa, tiến thoái lưỡng nan, không biết phải làm như thế nào”, chị T. bức xúc.

Chị N.T.T.T chia sẻ, vì quá bức xúc nên sau đó, chị đã đưa sự việc lên trang cá nhân Facebook và nhận được nhiều sự đồng cảm của rất nhiều người vì họ cũng rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan” tương tự như mình.

“Nguyện vọng của tôi bây giờ là đến kỳ hạn thanh toán hợp đồng tới đây 22/8/2023 sẽ nhận lại số tiền như đã ký kết trong hợp đồng. Và hơn hết, phía ngân hàng phải có trách nhiệm về việc chi trả tiền cho tôi như cán bộ ngân hàng đã tư vấn, hứa hẹn về trách nhiệm trước đó”, chị T. nói.

Liên quan đến vấn đề này, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với đại diện chi nhánh ngân hàng TMCP nơi chị T. mua trái phiếu tại Thừa và được biết.

Đại diện chi nhánh ngân hàng TMCP này cho biết, đã nắm sự việc và thông tin, phía ngân hàng chỉ là đơn vị trung gian cho việc mua bán trái phiếu giữa chị T. với Công ty là đối tác của ngân hàng. Đồng thời cho hay, hiện phía ngân hàng cũng đang liên tục gây áp lực với phía bán trái phiếu nhằm thanh toán đúng kỳ hạn cho chị T., tránh gây mất uy tín, ảnh hưởng đến hình ảnh của ngân hàng.

Trước câu hỏi, có hay không việc, cán bộ ngân hàng là chị H.H.P. trong lúc tư vấn cho chị T.  đã “đánh tráo khái niệm”, tô vẽ thêm lợi nhuận để dẫn dắt chị này mua trái phiếu thay vì gửi tiền tiết kiệm?  Vị đại diện này cũng cho biết, phía ngân hàng đã làm việc với chị P. và chị này khẳng định đã tư vấn kỹ cho khách hàng. Đồng thời, vị này cũng cho hay, hiện chị P. đã nghỉ việc từ tháng 3/2023. 

Bộ Tài chính đã từng liên tục khuyến cáo …

Trước đó, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính đã nhiều lần phát đi các khuyến cáo khi nhà đầu tư mua trái phiếu qua các tổ chức phân phối.

Cụ thể, Bộ Tài chính khẳng định, các ngân hàng, công ty chứng khoán làm dịch vụ phân phối trái phiếu chỉ đơn thuần là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Các nhà đầu tư cá nhân khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu. Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp. 

Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ. Việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. 

Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.

Trường hợp doanh nghiệp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp như: cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp; trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Đối với các nhà đầu tư, Bộ Tài chính khuyến cáo, doanh nghiệp khi phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.

Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt. 

Lê Kông

Xem thêm: lmth.992126a-gnah-nagn-auq-ueihp-iart-aum-iv-moht-paht-nad-iougn-euh/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Huế: Người dân thấp thỏm vì mua trái phiếu qua ngân hàng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools