Các địa điểm sản xuất của Trung Quốc từng được các công ty phương Tây yêu thích dần lỗi thời. Mối quan hệ xấu đi giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến các doanh nghiệp ngày càng lo lắng về rủi ro địa chính trị. Kết quả là trong nửa đầu năm nay, lần đầu tiên trong gần hai thập kỷ, Mỹ giao dịch với Mexico và Canada nhiều hơn so với Trung Quốc. Bản đồ thương mại toàn cầu đang được vẽ lại.
Thoạt nhìn, điều này gần như chính xác như mong muốn của các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Dưới thời Donald Trump và sau đó là Joe Biden, các quan chức đã đưa ra một loạt thuế quan, quy tắc và trợ cấp. Lệnh mới nhất được ban hành hôm 9/8, nêu quy tắc sàng lọc đầu tư ra nước ngoài và cấm một số khoản đầu tư vào điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và chip tiên tiến của Trung Quốc.
Theo Economist, việc siêu cường đứng đầu thế giới sử dụng những biện pháp kiềm chế như vậy là dấu hiệu cho thấy thay đổi rõ nét trong chính sách kinh tế của Mỹ khi họ đối mặt với sự trỗi dậy của một đối thủ ngày càng quyết đoán. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực sâu rộng, kết quả chung cuộc vẫn không mấy thành công.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ cổ vũ toàn cầu hóa thương mại và vốn. Điều này mang lại lợi ích lớn về tính hiệu quả và chi phí cho người tiêu dùng. Nhưng ngày nay, hiệu quả thôi chưa đủ. Mỹ và phương Tây đã cảnh giác trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ chọn cách hạn chế khả năng tiếp cận của nước này với công nghệ tiên tiến và xây dựng các chuỗi cung ứng thay thế. Mặc dù điều đó sẽ làm giảm tính hiệu quả nhưng với họ chi phí tăng thêm là xứng đáng vì sẽ an toàn hơn.
Tất cả điều này có thể gây ngạc nhiên vì thoạt nhìn các chính sách dường như thành công rực rỡ. Liên kết kinh tế trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ đang bị thu hẹp. Năm 2018, hai phần ba hàng nhập khẩu của Mỹ từ nhóm các nước châu Á "chi phí thấp" là của Trung Quốc. Năm ngoái, tỷ lệ này chỉ còn hơn một nửa. Thay vào đó, Mỹ đã quay sang mua hàng Ấn Độ, Mexico và Đông Nam Á.
Dòng vốn đầu tư cũng đang điều chỉnh. Năm 2016, các công ty Trung Quốc đầu tư đến 48 tỷ USD vào Mỹ. Sau 6 năm, con số này đã giảm còn 3,1 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, lần đầu trong vòng một phần tư thế kỷ, Trung Quốc không còn là một trong ba điểm đến đầu tư hàng đầu của hầu hết thành viên của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc. Trong suốt gần hai thập kỷ, Trung Quốc chiếm phần lớn các dự án đầu tư nước ngoài mới tại châu Á. Năm ngoái, họ nhận được ít hơn Ấn Độ.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc vẫn nguyên vẹn. Mỹ có thể đang chuyển hướng nhu cầu từ Trung Quốc sang các nước khác. Nhưng sản xuất ở những nơi đó nhập nhiều nguồn cung của Trung Quốc hơn bao giờ hết.
Ví dụ, khi xuất khẩu của Đông Nam Á sang Mỹ tăng lên, nhập khẩu các đầu vào của khối này từ Trung Quốc cũng bùng nổ. Trong sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đạt 49 tỷ USD, tăng 80% so với 5 năm trước. Trong đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn của Trung Quốc vào các nước Đông Nam Á lớn đã vượt Mỹ.
Các nhà máy nơi khác cũng sôi nổi nhập đầu vào từ Trung Quốc, đáng chú ý nhất là trong ngành công nghiệp xe hơi. Xuất khẩu phụ tùng xe hơi của Trung Quốc sang Mexico đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Ở Trung và Đông Âu, Trung Quốc chỉ cung cấp 3% linh kiện ôtô cho Czech, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Slovenia và Romania vào 2018. Hiện tỷ lệ này đã tăng lên 10%.
Nghiên cứu do IMF cho thấy ngay cả trong các lĩnh vực sản xuất tiên tiến, nơi mà Mỹ rất muốn rời xa Trung Quốc, thì những quốc gia thâm nhập được nhiều nhất vào thị trường Mỹ lại là những quốc gia có liên kết công nghiệp gần nhất với Trung Quốc. Chuỗi cung ứng đã trở nên phức tạp hơn và thương mại trở nên đắt đỏ hơn. Nhưng sự thống trị của Trung Quốc là không suy giảm.
Vậy điều gì đang xảy ra? Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, hàng hóa Trung Quốc chỉ đơn giản là quá cảnh ở nước thứ ba để đến Mỹ. Vào cuối năm 2022, Bộ Thương mại Mỹ phát hiện bốn nhà cung cấp năng lượng mặt trời lớn có trụ sở tại Đông Nam Á thực hiện quá trình xử lý nhỏ đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Trên thực tế, họ đang lách thuế đối với hàng hóa Trung Quốc để đưa vào Mỹ. Trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như đất hiếm, Trung Quốc tiếp tục cung cấp các đầu vào khó thay thế.
Ngoài ra, thị trường tự do đơn giản là tìm cách thích nghi để có hàng hóa rẻ nhất cho người tiêu dùng. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc với lực lượng lao động đông đảo và hệ thống vận chuyển hiệu quả, vẫn là nguồn cung tốt nhất. Chính sách mới của Mỹ có thể điều chỉnh hướng thương mại với Trung Quốc. Nhưng chúng không thể loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của nước này trên toàn chuỗi cung ứng.
Tóm lại, phần lớn việc tách rời Trung Quốc là "giả tạo", theo Economist. Tệ hơn, cách tiếp cận của Mỹ đang làm sâu sắc thêm mối liên kết kinh tế giữa Trung Quốc và các nước xuất khẩu khác. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại được ký kết tháng 11/2020 giữa nhiều quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc, tạo ra thị trường chung mà hàng Trung Quốc có thể quá cảnh đến Mỹ.
Đối với nhiều nước nghèo hơn, việc nhận được đầu tư, cùng hàng hóa trung gian của Trung Quốc và xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ là nguồn tạo việc làm. Nếu được yêu cầu lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, họ có thể không đứng về phía Mỹ, theo Economist.
Nhìn chung, với sự trỗi dậy của nền kinh tế số hai thế giới, Mỹ lựa chọn chiến thuật "sân nhỏ và hàng rào cao" (small yard and high fence). Trong đó, "sân nhỏ" là thiết lập giới hạn rộng rãi và chặt chẽ để bảo vệ các lĩnh vực quan trọng, nhưng không cản trở quá mức hoạt động thương mại và hợp tác. Còn "hàng rào cao" là tạo ngăn cản mạnh mẽ để ngăn chặn sự thâm nhập không mong muốn của Trung Quốc vào các lĩnh vực có thể gây nguy hiểm cho an ninh kinh tế Mỹ.
Nhưng nếu thiếu cái nhìn rõ ràng về những đánh đổi, rủi ro là mỗi lần có tin đồn về an ninh quốc gia, "sân" sẽ ngày càng rộng ra và "hàng rào" lại cao thêm. Bài học với chính trị gia Mỹ đến nay là những lợi ích của các chính sách tách rời Trung Quốc đến nay là ảo và những chi phí lớn hơn so với dự kiến đang nhấn mạnh việc phải tập trung vào mục tiêu một cách cụ thể hơn.
Hơn nữa, càng tập trung vào cách tiếp cận có chọn lọc, Mỹ mới càng có khả năng thuyết phục các đối tác thương mại giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong những lĩnh vực thực sự quan trọng. Nếu thiếu điều này, chính sách của Mỹ sẽ làm thế giới không an toàn hơn, Economist nhìn nhận.
Phiên An (theo The Economist)