Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 7, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt 4,62 tỉ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy tín hiệu tích cực trở lại. Do các tháng đầu năm xuất khẩu giảm sâu nên lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản vẫn giảm 9,1% so với cùng kỳ, đạt 29,13 tỉ USD. Điểm tích cực là xuất siêu 7 tháng đạt 5,88 tỉ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ.
Gạo, rau quả sáng nhất
Giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 7 tháng đầu năm nay vẫn chưa bằng cùng kỳ do 2 ngành có tỉ trọng đóng góp lớn là lâm sản và thủy sản bị sụt giảm mạnh. Sự tăng trưởng mạnh của các loại nông sản (gạo, rau quả, cà phê, hạt điều) chưa bù đắp được xuất khẩu toàn ngành.
Đóng gói chuối tươi xuất khẩu .Ảnh: AN NA
Đồ họa: NGỌC TRINH
Cụ thể, rau quả là ngành có mức tăng trưởng ấn tượng nhất với 68,15%, đạt 3,23 tỉ USD; gạo tăng 29,6%, đạt 2,58 tỉ USD; hạt điều tăng 9,8%, đạt 1,95 tỉ USD; cà phê tăng 6%, đạt 2,76 tỉ USD; các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu tăng 27,4%, đạt 276 triệu USD.
Một yếu tố khiến giá trị xuất khẩu nông sản năm nay thấp hơn năm ngoái bởi đơn giá xuất khẩu giảm (trừ gạo giá bình quân tăng 9,2%, đạt 534 USD/tấn; cà phê giá bình quân 2.540 USD/tấn, tăng 12,8%). Cụ thể, giá hạt tiêu 3.214 USD/tấn, giảm 28,4%; giá cao su bình quân 1.357 USD/tấn, giảm 20,6%; giá sắn xuất khẩu bình quân 405 USD/tấn, giảm 7,3%; giá chè (trà) xuất khẩu bình quân 1.703 USD/tấn, giảm 3,8%; giá hạt điều 5.819 USD/tấn, giảm 3%.
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food, chuyên sản phẩm chế biến từ nha đam, dừa), các nước nhập khẩu gặp vấn đề về lạm phát nên tiêu thụ khó khăn. Thị trường yêu cầu sản phẩm chất lượng tốt nhưng giá rẻ là yêu cầu rất khó đối với nhà xuất khẩu. "Để giữ thị trường, đồng hành với khách hàng, chúng tôi buộc phải giảm giá. Các khách hàng truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ giữ lượng nhập ổn định, không tăng. Dù vậy, năm nay GC Food dự kiến tăng trưởng xuất khẩu 20% nhờ xuất thêm sang các thị trường mới tại Trung Đông và Đông Âu" - ông Thứ cho biết.
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta - chuyên về tôm - vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 7 với doanh số chung đạt 21,3 triệu USD, tăng 18% so với tháng 6 cho thấy xu thế đang phục hồi như dự báo. Các chỉ số khác trong tháng như: tôm sản xuất thành phẩm 2.338 tấn, tăng 9% so cùng kỳ; sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 1.953 tấn, tăng 19%. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT công ty, sự hồi phục chủ yếu do có những yếu tố khách quan như tồn kho giảm, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng. "Cuối năm, các đơn hàng nhiều hơn nhưng giá cả không thể như ý vì phải bán theo giá thế giới" - ông Lực nói.
Nỗ lực về đích
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù nhiều doanh nghiệp (DN) bị giảm doanh số so với cùng kỳ nhưng vẫn có những DN đạt được tăng trưởng dương trong năm nay nhờ duy trì lao động, tận dụng công suất, chế biến hàng gia tăng và gia công xuất khẩu... Nửa cuối năm, họ sẽ là một phần động lực phục hồi doanh số cho toàn ngành.
Thị trường Trung Quốc vẫn là kỳ vọng lớn nhất cho DN thủy sản hiện nay, bởi sau mở cửa, giao thương đang dần trở lại bình thường. Hy vọng nửa cuối năm, kinh tế Trung Quốc ổn định hơn, thu nhập và tiêu dùng của người dân tăng dần, thị trường thích nghi bối cảnh mới..., nước này sẽ duy trì giá trị nhập khẩu như năm 2022 là 1,8 tỉ USD. Với kịch bản thuận, xuất khẩu thủy sản 5 tháng còn lại của năm 2023 có thể đạt khoảng hơn 4 tỉ USD và cả năm đạt hơn 9 tỉ USD, giảm 15%-16% so với năm 2022.
Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, kết quả xuất khẩu ngành nông nghiệp 7 tháng đầu năm cho thấy rõ sự lên ngôi của những mặt hàng thiết yếu: gạo, rau quả, cà phê... khi kinh tế thế giới khó khăn. "Vị thế và lợi thế của hạt gạo Việt Nam cũng được thể hiện. Đây là cây trồng có suất đầu tư thấp. Khi các nước cấm xuất khẩu gạo, Việt Nam không cấm theo mà vẫn điều hành linh hoạt vừa bảo đảm an ninh lương thực, tận dụng cơ hội xuất khẩu" - GS-TS Bùi Chí Bửu nói.
Dù vậy, GS-TS Bùi Chí Bửu cũng cho rằng Việt Nam không nên duy trì mục tiêu xuất khẩu năm sau phải cao hơn năm trước và cao hơn tăng trưởng bình quân của thế giới. "Phát triển bền vững, đầu tư khoa học - công nghệ cho nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vẫn là những mục tiêu dài hạn ngành phải theo đuổi" - GS-TS Bùi Chí Bửu nhìn nhận.
Chuyên gia nông nghiệp - TS Nguyễn Đăng Nghĩa đánh giá các mặt hàng như gạo, rau quả, cà phê... đang có nhu cầu lớn, nông dân trong nước tăng năng suất, sản lượng, mở rộng diện tích. Tuy vậy, cần lưu ý khâu sản xuất để tăng sản lượng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Các vùng sản xuất phải tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, hướng đến canh tác hữu cơ, bảo đảm các yêu cầu của nhà nhập khẩu. Đồng thời, công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu "Nông sản Việt Nam" không được bỏ qua cũng như tiếp tục đa dạng hóa thị trường, hướng đến phát triển bền vững.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay năm 2023, xuất khẩu rau quả hoàn toàn có thể đạt hơn 5 tỉ USD khi có được những mặt hàng chiến lược cho từng thị trường. Cụ thể, với Trung Quốc là mặt hàng sầu riêng, từ nay đến cuối năm chỉ có Việt Nam cung ứng; Mỹ là quả dừa tươi, khi loại quả này vừa được mở cửa và dư địa thị trường lớn không chỉ bó hẹp trong cộng đồng châu Á; châu Âu là quả chanh leo đang tăng trưởng tốt.
Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu
Ngày 11-8, tại buổi tọa đàm hỗ trợ DN xuất khẩu kết nối hiệu quả hơn trong chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế do Bộ Công Thương tổ chức, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết để hỗ trợ DN tìm đầu ra trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, giúp các DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế, Bộ Công Thương đã tăng cường kết nối giữa các DN trong các ngành dệt may, nông sản và thực phẩm chế biến với các kênh phân phối, thu mua quốc tế nhằm tìm ra giải pháp kết nối hiệu quả.
Tại tọa đàm, Tổng Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam Shiotani Yuichiro đã đưa ra một số khuyến nghị để DN dệt may trong nước nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị quốc tế, trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho các cửa hàng của Aeon. Cụ thể, DN dệt may Việt Nam cần nỗ lực chuyển đổi sang mô hình sản xuất tích hợp để tối ưu hóa quy trình và tăng cường hiệu quả sản xuất. Việc này sẽ giúp ngành dệt may tạo ra những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng với chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Đồng thời, giúp DN nâng cao vị thế cạnh tranh của ngành và tăng cường khả năng xuất khẩu.
Tập đoàn Amazon cũng đưa ra 3 gợi ý cho DN Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử quốc tế. Trước hết, cần nắm rõ về khách hàng quốc tế thông qua tận dụng triệt để công nghệ số để nắm bắt nhu cầu, hành vi hoặc ngay lập tức đọc được đánh giá, phản hồi, góp ý của khách hàng trên gian hàng của mình, từ đó cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, cách thức tiếp thị cho thương hiệu. Bên cạnh đó, đổi mới sản phẩm thông qua lắng nghe phản hồi trực tiếp và nhanh chóng hơn so với kênh truyền thống. Và cuối cùng là xây dựng thương hiệu. Đại diện Amazon nhấn mạnh khi hiểu được khách hàng, đổi mới sản phẩm và biết cách kể câu chuyện sản phẩm, DN sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
M.Chiến
Xem thêm: mth.25304011211803202-cuhp-ioh-gnad-nas-yuht-gnon-uahk-taux/et-hnik/nv.moc.dln