Ông Thản là người khá "nổi tiếng" với những vi phạm xây dựng ở khắp nơi trong cả nước. Cùng ra tòa với ông Thản còn có một loạt cán bộ quận Hà Đông (Hà Nội). Đây mới chính là những nhân vật đáng nói, dù vô tình hay cố ý, họ được cho là tiếp tay cho ông Thản.
Nguồn cơn của vụ án là do ông Thản chỉ đạo thực hiện dự án chung cư CT6 Kiến Hưng vượt quy hoạch, đem bán hàng trăm căn hộ xây dựng không phép, dẫn đến chuyện ông Thản bị khách hàng kiện về hành vi lừa đảo.
Ông Thản có không ít cao ốc, khách sạn, trung tâm thương mại... ở nhiều địa phương, hầu hết đều có vết tích xấu như không phép, sai phép, trái công năng, sai quy hoạch... Một số công trình của ông Thản cho tới nay vẫn chưa được xử lý tới nơi tới chốn, gây bức xúc dư luận. Lỗi của ông Thản thì rõ rồi, nhưng lỗi của bên quản lý nhà nước là không thể làm ngơ.
Công trình nào của ông Thản cũng lừng lững, rộng mênh mang, tọa lạc ngay khu đắc địa, thi công ào ào giữa thanh thiên bạch nhật. Thế nhưng sai phạm thường bị phát hiện rất chậm, khi công trình gần xong hoặc trong giai đoạn hoàn thiện, giải quyết hậu quả rất khó khăn bởi đủ các loại thủ tục phức tạp, kinh phí tháo dỡ, kỷ luật cán bộ...
Điển hình là khách sạn Mường Thanh ở Phú Quốc, nhùng nhằng mãi sau 8 năm thi công hiện chưa dứt điểm rốt ráo. Tương tự, tại Đà Nẵng, Mường Thanh có 70 căn hộ cao cấp 42 tầng sai công năng, qua 6 năm lần lữa mới bước vào tháo dỡ hồi tháng 4 năm nay.
Tại sao ông Thản lại vô tư liên tục vi phạm, trong khi người dân luôn than phiền xây nhà là đồng nghĩa với việc bị hành. Nhiều người nói lực lượng kiểm tra theo dõi từng vết xe chở vật liệu, bất kể nhà trong hẻm ngoắt ngoéo, họ vẫn đến tận nơi, xem xét và đo đạc kỹ lưỡng.
Dân đồn đãi nếu "bồi dưỡng" chút đỉnh còn tạm ổn, lơ mơ là ăn phạt tắp lự. Dân cũng đồn đãi nhiều về việc với mấy ông có vai vế thì "con voi cũng chui lọt lỗ kim"!
Dân nói có căn nguyên! Đâu chỉ mình ông Lê Thanh Thản. Thực tế là có nhiều ông thuộc loại "tai to mặt lớn" xây dựng công trình mà "không miếng giấy lận lưng" nhưng vẫn trót lọt cho tới khi lộ rõ hình hài choáng ngợp. Chẳng hạn dự án 500 căn nhà liền kề không phép ở Trảng Bom (Đồng Nai) đến nay vẫn bị bỏ hoang, cơ quan chức năng kết luận hơn 20 cá nhân và 13 tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp huyện có sai phạm trong vụ này.
Giải thích cho tình trạng nêu trên, người ta thường biện minh rằng chủ đầu tư cố tình làm chui, trong khi nhân sự chuyên trách mỏng, chính quyền cấp cơ sở nhiều việc nên không bao quát hết. Nói như vậy chỉ là một phần, chưa đúng hết bản chất. Xây nhà, nhất là các công trình lớn và dự án tầm cỡ, đâu phải là cây kim nằm trong bọc mà không thấy, không biết. Cần chỉ thẳng đó là vô trách nhiệm, quản lý kém và thông đồng tiêu cực mà ra.
Một người quen của tôi cho biết ông làm nhà ở dân dụng gồm bốn tầng, chỉ sai giấy phép vài chi tiết nhỏ, không ảnh hưởng thiết kế và quy hoạch, nhưng không thoát khỏi bị lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ, đồng thời xử phạt 12 triệu đồng. Chủ nhà làm đơn xin được "thông cảm".
Tiếp ông, chủ tịch quận không đồng ý, ra quyết định thực thi, sau đó gọi thanh tra xây dựng lên phê bình nghiêm khắc: "Các vị phải bám sát công trình của dân, phát hiện cái sai ngay từ sớm. Đừng để người ta xây xong, khi ấy mới thấy không đúng quy định và bắt tháo dỡ. Như vậy là buông lỏng kỷ cương phép nước, gây thiệt hại cho dân, lãng phí của cải xã hội. Cứ kéo dài lề lối làm ăn này là tôi trị cả các vị, không riêng dân".
Ông chủ tịch quận nói đúng! Vấn nạn vi phạm xây dựng kéo dài hết năm nọ qua năm kia, nơi này qua nơi khác, chưa có hy vọng chững lại. Muốn tình hình khả quan hơn, cần xử nghiêm, không chỉ người dân, chủ đầu tư mà cán bộ liên đới phải xử mạnh làm gương. Có vậy mới công bằng, hợp lý và góp phần hạn chế thói tắc trách hay tham nhũng, mới không để xảy ra những sai phạm như của Mường Thanh và không có những ông Thản khác ra tòa.
Cho rằng còn một số vấn đề chưa thể làm rõ tại phiên tòa, sau nửa ngày xét xử TAND TP Hà Nội bất ngờ trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ ông Lê Thanh Thản xây cả tòa nhà sai phép lừa dối 500 người mua.