Một chủ đề tưởng cũ kỹ nhưng thu hút nhiều thảo luận từ các chuyên gia sử học, bảo tồn di sản, văn hóa, lưu trữ phim, người làm phim... và thu hút đông sự quan tâm của giới trẻ say mê theo dõi một hội thảo kéo dài bất thường từ chiều cho tới tối muộn ngày 10-8 tại Hà Nội.
Nhiều câu chuyện thú vị liên quan tới lưu dữ di sản điện ảnh ở Việt Nam và quốc tế đã được kể ra.
Khái niệm bàn luận giới hạn là những bộ phim nhựa. TS Trần Hoài - ĐH Quốc gia Hà Nội - khẳng định giá trị di sản của tác phẩm điện ảnh không chỉ ở khía cạnh vật chất mong manh là những cuộn phim mà còn nằm ở ký ức của mỗi gia đình, mỗi dân tộc cùng những giá trị phi vật thể khác như bối cảnh, trường quay hay những tri thức về kỹ thuật làm phim...
Ông Hoài cho biết để kết luận một bộ phim có là di sản không có nhiều thang đo giá trị di sản khác nhau, như nó có đại diện cho văn hóa thời kỳ đó hay không, có được coi là giá trị được đánh giá cao bởi chính cộng đồng không.
Và trong khi đạo diễn Nguyễn Thanh Vân khẳng định không phải bộ phim nhựa nào làm ra cũng xứng đáng là di sản được lưu trữ bảo tồn, Nguyễn Hoàng Điệp nói với vai trò người lưu trữ thì cần cố gắng lưu trữ càng nhiều càng tốt bởi việc đánh giá một bộ phim trong góc nhìn di sản cần nhiều thời gian hơn việc đánh giá nó ở góc nhìn nghệ thuật.
Cùng quan điểm với Hoàng Điệp, TS sử học Trần Trọng Dương - ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết phim ảnh là một nguồn sử liệu.
Chúng ta không lường trước được có bao nhiêu giá trị trong một bộ phim, tùy thuộc vào cách chúng ta tiếp cận, lý thuyết chúng ta tiếp cận và thời điểm mà chúng ta muốn sử dụng nó.
"Chưa cần biết giá trị thế nào, phải cố gắng lưu trữ tối đa, ít nhiều sẽ có ích cho mai sau", ông Dương nêu quan điểm.
Từ hàng ghế khán giả, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - ĐH Quốc gia Hà Nội - góp ý kiến. Theo bà, điện ảnh là một tài sản văn hóa, là quá khứ của dân tộc.
Và một lần nữa câu chuyện cần đối xử với Hãng phim truyện Việt Nam như một di sản được bà Phương nhắc lại. Bởi đây là nơi lưu giữ ký ức của một thời vàng son của điện ảnh Việt Nam chứ không chỉ đơn thuần là một tòa nhà.
Tọa đàm cũng nhận được trao đổi thú vị của KTS Lê Phước Anh - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ông Phước Anh đặt câu hỏi: Liệu các phim của miền Nam trước 1975 có được lưu trữ và có cách nào để xem các phim này?
Bà Đinh Thị Thúy Chinh - chuyên gia bảo quản phim từ Viện phim Việt Nam - cho biết sau 1975, viện phim có thu hồi một loạt phim của điện ảnh miền Nam Việt Nam trước 1975. Hiện các phim này vẫn được lưu trữ, tu sửa, bảo quản, lập hồ sơ.
Ở viện phim, nhiều phim đã được chuyển sang định dạng số. Vào các ngày lễ lớn của đất nước, viện phim đều mở chiếu nhiều phim kinh điển với chất lượng tương đối tốt, phục vụ rộng rãi công chúng.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp kể một câu chuyện thú vị liên quan tới tính mong manh của di sản điện ảnh. Đó là trường hợp phim Cuốn theo chiều gió được làm năm 1936, một bộ phim kinh điển của thế giới. Nhưng ngày nay nó không được chiếu dù không có lệnh cấm chính thức nào cả.
Lý do là vì phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc lên rất cao. Người làm chính sách, nhà sản xuất, nhà làm phim vấp phải quan điểm của thời đại. Vì vậy, phim không còn được coi là viên ngọc quý của Hollywood, là tượng đài về diễn xuất.
Nó cũng không còn là một bộ phim cho thấy lịch sử của Hoa Kỳ qua cuộc nội chiến Nam - Bắc, mà là bộ phim phân biệt chủng tộc, tôn vinh chủ nghĩa nô lệ. Vì vậy, ngày nay người ta không chấp nhận nó như một di sản trong các tàng thư của thế giới.
Nhà nước hiểu tầm quan trọng của di sản điện ảnh, nên ngay từ năm 1979, Viện phim Việt Nam đã được thành lập để lưu trữ hầu hết các bộ phim được sản xuất.
Chỉ trong nửa đầu năm 2023, Thái Lan là phim trường của 222 phim nước ngoài, thu 52 triệu USD. Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang ở đâu? Chúng ta thiếu gì để chưa là điểm đến của các đoàn phim quốc tế?