Lần đầu tiên, một con đường chạy dọc sông Sài Gòn kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ vừa được lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh thống nhất đưa vào quy hoạch.
Không đơn thuần là một con đường
Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết tuyến đường ven sông đang từng bước được rà soát để điều chỉnh quy hoạch nhằm đưa vào quy định chung của TP.HCM. Đồng thời các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Dương, Tây Ninh cũng đang triển khai song song.
Các tỉnh đã thống nhất ý kiến cần có tuyến đường ven sông kết nối liên vùng, đặc biệt là đường ven sông Sài Gòn, dọc đường hai bên sông sẽ có bến thủy (trên bến dưới thuyền).
"TP.HCM cùng các tỉnh phải làm như thế nào để không gian hai bên ven sông đẹp và xứng đáng với tiềm năng tương lai của sông Sài Gòn. Điều này không chỉ đem lại sự thuận lợi về giao thông mà còn tạo ra ảnh hưởng tích cực đến cảnh quan đô thị và du lịch.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc để rà soát lại hướng tuyến, đảm bảo tính khả thi. Trước tiên, chúng tôi thống nhất quan điểm các tuyến đường ven sông sẽ bám theo bờ sông Sài Gòn.
Tùy theo tình trạng đô thị dọc hai bờ sông cũng như khả năng điều chỉnh quy hoạch sẽ xác định vị trí hướng tuyến và quy mô mặt cắt ngang, kiểu dáng kết cấu bờ kè sao cho phù hợp. Chúng ta có thể linh hoạt trong việc làm không gian ven sông. Tùy vào khu vực có thể làm 4, 6 hay 8 làn đường", ông Lâm nói.
Ông Lâm khẳng định việc kết nối vùng về không gian, giao thông sẽ giúp kinh tế phát triển thuận lợi hơn. Ngoài các tuyến đường vành đai 3, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, nếu có thêm tuyến đường thủy, tuyến đường ven sông Sài Gòn sẽ càng phát huy lợi thế của TP.HCM.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM được giao chủ trì, phối hợp đơn vị tư vấn và các địa phương trong vùng nghiên cứu quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn theo hướng kết nối đồng bộ, toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cầu vượt sông, đường, bến thủy nội địa, cảng hàng hóa...) với các tỉnh thượng nguồn.
Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, trưởng Phòng quy hoạch chung Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cho biết hiện đang ở bước nghiên cứu để lên phương án bổ sung quy hoạch. Về định hướng xây dựng trục giao thông, phát triển hành lang dọc sông đã có, còn các vấn đề cụ thể như kỹ thuật, phương hướng tuyến, tác động kinh tế - xã hội thì vẫn đang nghiên cứu kỹ.
"Đây không chỉ đơn thuần làm một con đường mà là phát triển hành lang dọc sông theo hướng bền vững. Chúng tôi còn nghiên cứu phương án thực hiện theo hướng bảo vệ những giá trị về văn hóa, lịch sử, tự nhiên của dòng sông.
Từ đó tạo điều kiện khai thác bền vững hệ sinh thái để phục vụ người dân, giúp họ tiếp cận không gian bờ sông. Đồng thời, có những hoạt động về kinh tế như logistics, các dự án thích nghi biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, tất cả còn ở góc độ ý tưởng, chưa có hình hài rõ ràng", ông Tuấn chia sẻ.
Nơi sầm uất, nơi còn hoang vu
Tuyến đường dọc sông Sài Gòn dự kiến phương án tuyến chạy từ ngã ba Mũi Đèn Đỏ, quận 7 (TP.HCM) đến Bến Củi (Tây Ninh) với tổng chiều dài hơn 130km. Tuyến đường ven sông này có thể không hoàn toàn bám sát bờ sông mà tùy vào địa hình sẽ có phương án cụ thể.
Hiện một số đoạn bờ sông Sài Gòn đã phát triển giao thông hoàn chỉnh, đường thảm nhựa và đưa vào khai thác ổn định. Điển hình là đường Tôn Đức Thắng chạy dọc bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM sau khi chỉnh trang cảnh quan khu vực đã trở thành điểm đến thu hút người dân và du khách. Trong khi đó, phần lớn bờ sông chỉ mới được đầu tư bờ bao để ngăn triều, phục vụ sản xuất nông nghiệp, thậm chí nhiều đoạn còn bị lấn chiếm, sạt lở.
Anh Huy Mạnh (quận 3, TP.HCM) là một trong những người thường xuyên trải nghiệm du lịch đường sông. Anh cho hay rất hào hứng khi nghe thông tin các địa phương thống nhất sẽ làm đường ven sông Sài Gòn.
"Tôi nghĩ đây là điều cần thiết mà TP.HCM và các tỉnh nên làm sớm để kích cầu du lịch, tạo cảnh quan dọc sông. Hiện tại tôi thấy nhiều đoạn ven sông vẫn toàn cỏ dại, không có chỗ để người dân vui chơi hoặc ra ngắm sông. Chỗ có cảnh đẹp thì lại kéo theo khu dân cư phát triển khiến tầm nhìn bị hạn chế.
Do đó việc phát triển đường ven sông sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP và các tỉnh lân cận phát triển. Tuy nhiên phải làm đường xuyên suốt và bám lấy con sông chứ không để đô thị, nhà cửa xây dựng cạnh sông còn đường thì phải đi tránh", anh Huy Mạnh nói.
Ông Võ Ba (65 tuổi, quận 1) nói nếu có đường ven sông Sài Gòn thì đó chắc chắn sẽ là động lực và bộ mặt phát triển mới cho TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
"Tôi đi một số địa phương có con sông chảy qua, như ở Đà Nẵng, đều làm đường ven sông rất đẹp, giao thông thuận lợi, du lịch phát triển. TP.HCM cần phải làm nhanh chóng đường như vậy", ông Võ Ba nói.
Không gian dọc sông phải dành cho cộng đồng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - nhận định hiện nay con đường dọc sông Sài Gòn một số nơi đã có nhưng vẫn ở mức hẹp và đứt quãng.
"Tôi có một lưu ý, khoảng cách giữa đường với bờ sông là bao nhiêu tùy mỗi chỗ khác nhau nhưng cần có khoảng hở nhất định. Và khoảng hở này chỉ nên sử dụng vào những công trình mang tính công cộng như công viên, khu vui chơi công cộng.
Khoảng trống này để người dân tiếp cận với dòng sông, thưởng thức cảnh đẹp, hóng mát. Không nên xây cao ốc dựng đứng cạnh bờ sông và cũng không nên cho bất kỳ đơn vị nào thuê lấy đứt một đoạn rồi rào chắn khiến chia khúc bờ sông", ông Nguyên góp ý.
Cũng theo ông Nguyên, nếu làm tốt tuyến đường này sẽ giúp khai thác tốt tiềm năng của sông Sài Gòn, nhất là tăng khả năng thu hút du lịch.
Ông Nguyễn Kim Toản - giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (đơn vị khai thác tuyến du lịch Sài Gòn Waterbus) - cho rằng đường sông và đường bộ là không thể tách rời. Chúng ta có thể đi trên sông nhưng không có đường bộ, bến bãi ven sông thì không thể lên bờ tiếp cận với các điểm du lịch, di tích lịch sử. Ngược lại, có đường bộ mà không khai thác đường thủy thì người dân chỉ đứng nhìn dòng sông chứ khó lòng "chạm" gần hơn tới nó.
"Tất cả những gì sắp sửa triển khai đều tốt đẹp và cần thiết để phục vụ đời sống của người dân, tuyến đường này cũng vậy. Ngoài ý nghĩa đi lại, nó còn giúp phát triển du lịch. Một thời gian dài chúng ta quay lưng ra sông, không thấy được nét đẹp của dòng sông.
Những nước lân cận như Myanmar, Lào, Thái Lan khai thác được nét đẹp này khi cung điện, công trình văn hóa của họ luôn có bến sông và đường sá. Do đó tôi thấy tuyến đường này rất cần thiết và sẽ giúp đường sông phát triển theo", ông Toản đánh giá.
Sớm đánh thức sông Sài Gòn
Từ đầu năm 2022, Tuổi Trẻ đã tổ chức cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn", hội thảo "Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn" và phát hành đặc san Đánh thức sông Sài Gòn dịp 30-4. Sau đó, tháng 5-2022 Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã cùng Tuổi Trẻ khảo sát thực tế sông Sài Gòn.
Hơn một năm qua, các lãnh đạo TP.HCM đã có nhiều hoạt động để tìm cách phát triển, khai thác tiềm năng to lớn của sông Sài Gòn. Mới đây nhất, tháng 6-2023 Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã đến Pháp để khảo sát thực địa, học tập kinh nghiệm quy hoạch bờ sông Seine.
Tháng 4-2023, được giới thiệu bởi Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu - AVSE Global, một đoàn chuyên gia, doanh nghiệp Pháp do bà Helene Peskine, tổng thư ký thường trực tại PUCA, dẫn đầu đã đến tham quan, khảo sát sông Sài Gòn.
Ông Võ Văn Minh (chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương): Hợp tác đường sông giúp phát triển kinh tế
Việc hợp tác phát triển đường sông giữa TP.HCM và Bình Dương có ý nghĩa rất lớn để phát triển kinh tế. Ngoài việc phát triển du lịch, tạo cảnh quan hai bên bờ sông thì còn có vai trò rất quan trọng để phát triển công nghiệp.
Theo quy hoạch thì sông Sài Gòn nối TP.HCM và Bình Dương có 16 cảng, nhưng hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng do chờ nâng tĩnh không các cây cầu. Dự kiến Bình Dương sẽ xây dựng cảng sông quy mô lớn trên sông Sài Gòn là cảng An Tây tại thị xã Bến Cát.
Đây là một trong những cảng sông lớn nhất tại Bình Dương với quy mô khoảng 100ha, sẽ là đầu mối logistics cho hàng hóa, nguyên liệu của các nhà máy, khu công nghiệp để giảm áp lực ùn tắc cho đường bộ.
Hiện tại Bình Dương có đề nghị và TP.HCM đã đồng ý xây dựng mới cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 để khi các cảng sông phía thượng nguồn đi vào hoạt động thì các cây cầu này cũng hoàn thành để cho hàng hóa di chuyển thuận lợi, hiệu quả.
Ông Trần Quang Lâm (giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM): Ưu tiên tuyến TP.HCM - Bình Dương
TP.HCM đang rà soát để bổ sung quy hoạch, trên cơ sở đó sẽ xem xét để tổ chức thực hiện theo phân kỳ và triển khai dần. Hiện nay, một số đoạn đã có dự án khu đô thị nhưng chưa liên tục, có một số vị trí sẽ làm dự án giao thông riêng, số còn lại gắn với phát triển đô thị.
Có những khu vực ưu tiên triển khai sớm, như tuyến TP.HCM - Bình Dương. Củ Chi - Tây Ninh cũng có thể triển khai trước một số đoạn nếu có tiềm năng. Sắp tới, TP.HCM sẽ rà soát tổng thể tuyến đường ven sông từ Nhà Bè đến hết sông Sài Gòn. Đặc biệt từ Mũi Đèn Đỏ đến Khánh Hội được đánh giá có tiềm năng rất lớn, và khi dời cảng đi sẽ càng phát triển đường ven sông, cảng du lịch quốc tế, khu đô thị thương mại...
Có đường sẽ thúc đẩy du lịch sông Sài Gòn
Đại diện các doanh nghiệp du lịch cùng có chung nhận định như vậy trước thông tin sẽ hình thành tuyến đường dọc sông Sài Gòn, không chỉ trên địa phận TP.HCM mà còn nối dài với các tỉnh trong vùng.
Ông An Sơn Lâm - giám đốc Công ty thuyền buồm Đông Dương - cho hay các doanh nghiệp đều rất mong muốn mở thêm nhiều dịch vụ, vui chơi giải trí bên sông thay vì chỉ phục vụ bữa ăn tối trên du thuyền. Và những con đường ven sông sẽ kéo khách đến đông vui.
"Vấn đề hiện nay chúng ta quá thiếu bến bãi và không chỉ thiếu mà còn không bảo đảm các điều kiện kỹ thuật. Với quy hoạch mới, cảnh quan hai bên bờ sẽ được cải thiện, các hoạt động kinh tế dịch vụ được làm mới, các doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư thêm sản phẩm, thậm chí là sản phẩm sau 22h, góp phần phát triển kinh tế đêm", ông Lâm nói.
Tương tự, ông Phan Xuân Anh - chủ tịch Công ty Du Ngoạn Việt - cho biết theo quy định chung, hiện nay từ sông đi vào bờ 50m là khoảng không gian dành cho cảnh quan sông nước truyền thống, lịch sử với công viên, cây xanh.
Những con đường ven sông chỉ thực sự sống động, nhộn nhịp nếu có các dịch vụ bến bãi, có nhà vệ sinh, không gian cà phê, khu bán hàng lưu niệm. Nhưng đất ven sông đều là đất công, muốn xây dựng bến bãi để có thể đưa khách lên xuống cần phải có chính sách rõ ràng.
"Vì vậy doanh nghiệp cần thành phố làm rõ hơn một bước nữa về điều kiện cho doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư đến nơi đến chốn ở các bến thủy nội địa cũng như cảnh quan ven bờ, hấp dẫn du khách. Chúng ta cần có nhiều sản phẩm du lịch để người dân đến với các con sông nhiều hơn nữa.
Các con đường ven sông trong đô thị phát triển sẽ mở rộng không gian cho cả một thành phố, lúc đó du lịch đường sông của TP.HCM nhộn nhịp hơn nữa. Đặc biệt chúng ta phải lưu tâm đối với vấn đề môi trường, cần kiểm soát vấn đề xả rác của người dân và số người câu cá không làm hại đến cảnh quan chung", ông Anh đề nghị.
Trưa 11-8, Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông tin về một số dự án giao thông trọng điểm, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Trong đó, có dự án nghiên cứu xây dựng đường ven sông Sài Gòn và cầu Thủ Thiêm 4.