Chiều 12-8, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức Diễn đàn nguồn nhân lực bất động sản Việt Nam năm 2023 – 2024. Hiệp hội cũng ra mắt Liên chi hội đào tạo bất động sản Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và các trường đại học có đào tạo các ngành bất động sản tham gia.
Nhân lực chỉ đáp ứng được 40% yêu cầu
Ở khía cạnh doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Nhật Thanh - giám đốc vận hành An Gia Group - nói thực tế việc đào tạo nhân sự của các doanh nghiệp hiện nay là tự phát, nghề truyền nghề chứ chưa có hệ thống và bài bản từ ban đầu, chính qui từ các trường đại học.
Đánh giá về nguồn nhân lực sẵn có, ông Thanh cho biết họ chỉ đáp ứng được khoảng 30-40% yêu cầu của doanh nghiệp. Các nhân sự thiếu điểm cơ bản là kiến thức pháp luật, xã hội, am hiểu sản phẩm.
Do đó khi bán hàng, nhân viên tâng bốc quá nhiều mà không am hiểu sản phẩm dẫn đến khi nhận nhà thì có những mâu thuẫn với khách hàng.
Trong khi đó, ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch - Đầu tư, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản công nghiệp - cho rằng tổng quát thì nền kinh tế thiếu nguồn lực, việc đào tạo chưa thật bài bản về chuyên môn mà còn chạy theo lợi nhuận.
Trong quá trình phát triển vừa qua, đào tạo nhân lực còn quá thiếu. Từng lĩnh vực cần có chương trình đào tạo bài bản từ thấp đến cao. Ngành bất động sản đứng thứ 2 trong các ngành thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên hiện mới chỉ nhận nguồn vốn còn những hoạt động khác khác phụ thuộc hoàn toàn vào họ, nguồn nhân lực thiếu.
Đại diện nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng cho rằng nhân lực ngành này thiếu và đánh giá cao vai trò đào tạo của các trường đại học. Bà Mai Thị Hồng Quyên - giám đốc kinh doanh Sunproperty khu vực miền Nam - cho biết nhân sự chất lượng cao chịu sự cạnh tranh rất lớn.
Nhân lực nhìn chung thiếu và yếu. Phân khúc càng cao thì nhân sự càng hiếm và doanh nghiệp phải tự đào tạo. Từ thực tế, bà Quyên cho rằng doanh nghiệp cũng có trách nhiệm xã hội trong việc đào tạo nhân lực cho mình sử dụng.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm tham gia đào tạo
Vừa là chủ doanh nghiệp, vừa là giảng viên thỉnh giảng tại một trường đại học, ông Dương Tống - đánh giá nhân sự lĩnh vực bất động sản, nhất là nhân viên bán hàng rất quan trọng, cần sự chính trực, chuyên nghiệp. Đào tạo rất quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững và tránh được những rủi ro phát sinh.
Trong khi đó, khối trường đại học lại cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nhân sự lĩnh vực này. Ông Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm TP.HCM - cho biết hiện cả nước có khoảng 20 cơ sở đào tạo ngành bất động sản. Mỗi năm cung ứng khoảng 2.000 nhân sự.
"Nhân sự thiếu là đúng nhưng cẩn thận khi nói rằng nhân lực yếu. Yếu là do những người tay ngang không được đào tạo bài bản chứ không phải do chất lượng đào tạo các trường kém" - ông Lý khẳng định.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoài Phương - hiệu trưởng Trường đại học Bà Rịa - Vũng Tàu - cho rằng việc đào tạo ngành bất động sản có nhiều khó khăn khi doanh nghiệp chưa tham gia vào quá trình đào tạo.
"Doanh nghiệp đừng mong rằng lúc mình cần thì đến trường tuyển dụng và sau đó than phiền nhân lực yếu. Không có nhân lực giỏi có sẵn để cho các doanh nghiệp cần thì đến tuyển. Doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm cộng hưởng trong đào tạo" - bà Phương khẳng định.
Để giải bài toán thiếu nhân lực ông Abel Alonso - Trường đại học RMIT - cho biết ở nhiều nước cũng có tình trạng có khoảng cách lớn giữa yêu cầu doanh nghiệp và nguồn nhân lực do trường đại học đào tạo ra.
"Có thể giải quyết vấn đề này bằng cách tiếp cận giới trẻ sớm hơn, từ bậc phổ thông chứ không chỉ là sinh viên đại học như hiện nay. Việc tiếp cận sớm này sẽ tạo thành sự kết nối giữa doanh nghiệp, trường đại học và học sinh" - ông Abel Alonso đê xuất.
Cạnh tranh không lành mạnh
Bên cạnh sự thiếu tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo, khó khăn lớn nhất của trường đào tạo bất động sản đó là sự cạnh tranh không lành mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương - hiệu trưởng Trường đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, môi giới bất động sản là nghề hoạt động có điều kiện. Chỉ cần học vài tháng là một người được cấp chứng chỉ và tham gia vào thị trường lao động. Chứng chỉ hầu như không được hậu kiểm.
"Chứng chỉ hành nghề chỉ cần vài tháng là có thì hà cớ gì học sinh phải học đại học ngành bất động sản trong 3-4 năm. Đã vậy, người tốt nghiệp đại học ra lại không được hành nghề" - bà Phương nói thêm.
TTO - Các cục thuế được yêu cầu rà soát, chuẩn hóa dữ liệu liên quan đến hồ sơ chuyển nhượng bất động sản trên các ứng dụng của ngành thuế, thu thập, cập nhật thông tin từ phòng công chứng, ngân hàng để triển khai hậu kiểm.