vĐồng tin tức tài chính 365

Tác chiến điện tử khốc liệt ở Ukraine

2023-08-13 08:44
Hệ thống gây nhiễu Pole-21 của quân đội Nga - Ảnh: Truyền thông Nga

Hệ thống gây nhiễu Pole-21 của quân đội Nga - Ảnh: Truyền thông Nga

Trong chiến tranh hiện đại, các hoạt động quân sự đều sử dụng phổ điện từ để kết nối đến tất cả các loại khí tài công nghệ cao, hoặc tạo ra các hiệu ứng hỗ trợ tấn công nhóm mục tiêu quân sự của đối phương. 

Tác chiến điện tử là hoạt động sử dụng năng lượng định hướng để can thiệp quyền truy cập vào phổ điện từ này, nhằm các mục tiêu cơ bản như chặn tín hiệu giữa các thiết bị công nghệ và khiến chúng không hoạt động được.

Lợi thế vượt trội của Nga

Thứ nhất, phía Nga có hệ thống các thiết bị gây nhiễu đa tầm. Quân đội Nga được ghi nhận có khả năng gây nhiễu theo thời gian thực các tín hiệu từ kênh liên lạc quân sự được mã hóa Motorola 256-bit (bằng thiết bị Torn-MDM), cho đến nhóm thiết bị truyền dẫn định vị toàn cầu GPS (bằng hệ thống gây nhiễu di động R-330Zh Zhitel), làm giảm độ chính xác của hầu hết các vũ khí dẫn đường bằng GPS như bom lượn JDAM, tên lửa HIMARS và đạn "thông minh" Excalibur.

Không chỉ vậy Nga hiện đang triển khai các hệ thống Krasukha-2 và 4, Moskva-1, Leer-3, RP-377L/LA Lorandit và Pole cùng nhiều hệ thống khác nhằm mục tiêu áp chế điện tử các mạng di động nhằm cắt liên lạc giữa nhóm máy bay không người lái (UAV) với người điều khiển. 

Mục tiêu khống chế các nhóm UAV bầy đàn của Ukraine được phía Nga đầu tư mạnh khi vừa công bố đưa vào chiến trường hệ thống điện tử Sapfir mới nhất, có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 30km và vô hiệu hóa các UAV trong phạm vi 5km.

Thêm vào đó hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN và Krasukha-4 có thể ngăn chặn liên lạc bằng tín hiệu vệ tinh trong bán kính đến 300km, kết hợp với hệ thống Topol được cho là đã gây nhiễu thành công đường truyền của dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX đã giúp hoàn thiện hệ sinh thái EW đa tầm của Nga trên chiến trường Ukraine.

Thứ hai, phía Nga có các hệ thống phương tiện EW đa tầng và được bố trí mật độ dày đặc. Không chỉ giới hạn ở các thiết bị EW cồng kềnh di chuyển bằng đường bộ, phía Nga còn tích hợp năng lực tác chiến điện tử lên biến thể chiến đấu cơ Su-34M tầm cao và các UAV Orlan-10 tầm thấp được triển khai, nhằm gây nhiễu và đánh chặn tín hiệu trong quá trình làm chủ bầu trời ở phía đông và nam Ukraine.

Hiện phía Nga được cho là có khoảng 1.000 UAV Orlan-10 cùng với hơn 110 nhóm đơn vị tác chiến điện tử ở Ukraine.

Ukraine đi tắt, đón đầu

Mặc dù thừa nhận Matxcơva đã đi trước Kiev trong lĩnh vực EW, nhưng phía Ukraine đang nỗ lực phát triển các năng lực tác chiến điện tử đối trọng kết hợp với thế mạnh của riêng họ nhằm sớm cân bằng thế trận với phía Nga thông qua hai nhóm giải pháp.

Thứ nhất, tự phát triển năng lực EW dựa trên sự hỗ trợ từ phương Tây. Đầu tháng 8 vừa qua, ông Douglas Bush - trợ lý bộ trưởng lục quân Mỹ phụ trách mua sắm quốc phòng - đã xác nhận vừa chuyển hai hệ thống tác chiến điện tử đến Ukraine để chống lại các hệ thống UAV.

Không chỉ vậy, Mỹ và Anh là hai quốc gia đã liên tục cung cấp các thiết bị gây nhiễu cho Ukraine từ đầu cuộc chiến cùng với một lượng thông tin tình báo khổng lồ giúp Ukraine định vị các thiết bị gây nhiễu của Nga như một ưu tiên hàng đầu. 

Phía Ukraine cũng tự sản xuất được các hệ thống chống UAV như Bukovel-AD, được phát triển đặc biệt để chống lại UAV Orlan-10 tác chiến điện tử chủ lực của Nga.

Được phát triển bởi Proximus, một công ty tư nhân của Ukraine, Bukovel-AD có thể phát hiện các UAV hoạt động ở khoảng cách xa tới 100km, với tầm hoạt động hiệu quả lên tới 50km.

Ukraine cũng có những hệ thống như Nota EW có khả năng gây nhiễu liên lạc di động trong phạm vi 1km và vô hiệu hóa UAV trong phạm vi đến 20km được triển khai ở khu vực Donbass.

Thứ hai, khai thác tối đa các "điểm mù" trong hệ thống EW của Nga. Nhận thấy hệ thống của Nga chuyên áp chế điện tử các khí tài có kích thước lớn, tầm bay cao và giá thành đắt đỏ nhằm phục vụ chiến tranh tiêu hao, phía Ukraine đã đầu tư vào số lượng lớn các UAV có kích thước nhỏ, rẻ tiền, bay thấp hơn và chỉ đảm bảo chức năng cơ bản.

Không chỉ vậy Ukraine cũng chuyển hướng sang các tàu nổi (USV) trên mặt nước như các xuồng không người lái trong các vụ tấn công vào Crimea và dưới mặt nước (UUV), như dự án Toloka mà phía Ukraine đang phát triển, vốn nằm dưới tầm phủ sóng của hệ thống EW từ Nga.

Thêm vào đó quân đội Ukraine cũng có chủ trương tấn công tiêu diệt các vị trí phát hiện hệ thống EW của Nga. Cuộc tấn công từ lực lượng pháo binh Ukraine vào Bakhmut cuối tháng 7 vừa qua nhằm tiêu diệt hệ thống EW Triad và Leer-2 của Nga là một minh chứng cho chủ trương này.

Nhìn chung mặc dù có xuất phát điểm muộn hơn và yếu hơn so với Nga trong lĩnh vực tác chiến điện tử, nhưng quân đội Ukraine với sự hỗ trợ công nghệ và thông tin quy mô từ phía Mỹ và khối NATO đang từng bước cải thiện hiệu quả năng lực EW của họ.

Tuy khó có thể vượt qua các lợi thế vượt trội của Nga nhưng bằng cách tiếp cận vừa phát huy lợi thế của Ukraine vừa khai thác "điểm mù" của hệ thống phía Nga, Ukraine có cơ hội cân bằng thế trận và tạo được những bước tiến đáng ghi nhận trong giai đoạn quan trọng này.

Ukraine mất 10.000 UAV mỗi tháng?

Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu RUSI (Anh), phía Nga đang phân bổ cứ mỗi 10km sẽ có một hệ thống EW với vị trí chỉ cách tiền tuyến khoảng 7km. Việc gây nhiễu này đã góp phần vào tỉ lệ tổn thất máy bay không người lái của Ukraine ước tính lên tới 10.000 UAV mỗi tháng.

Nga bắn hạ tên lửa Ukraine trên cầu Crimea, kêu gọi dân bình tĩnhNga bắn hạ tên lửa Ukraine trên cầu Crimea, kêu gọi dân bình tĩnh

Phía Nga cho biết lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 2 tên lửa Ukraine trên cầu Crimea, cây cầu nối bán đảo Crimea và lục địa Nga.

Xem thêm: mth.57730553221803202-eniarku-o-teil-cohk-ut-neid-neihc-cat/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tác chiến điện tử khốc liệt ở Ukraine”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools