Vào năm 2022, em trai tôi có thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị TTH với tổng giá trị là 860 triệu đồng. Em trai tôi bị chị H làm đơn tố giác đến cơ quan công an.
Sau đó, tôi đã trả lại toàn bộ số tiền trên cho chị H và chị H cũng đã rút đơn kiện không yêu cầu khởi tố em tôi nữa. Tuy nhiên cơ quan công an vẫn ra quyết định khởi tố bị can đối với em tôi. Xin hỏi, trong trường hợp này có thực hiện đúng quy định không và em tôi có phải đi tù không?
Bạn đọc Lê Lan (TP.HCM), hỏi.
Người phạm tội lừa đảo trả lại toàn bộ số tiền, tài sản đã chiếm đoạt cho bị hại nhưng vẫn bị khởi tố. Ảnh: HUỲNH THƠ |
Luật sư Nguyễn Lý Diễm Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Trường hợp trên với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt 860 triệu đồng đã phạm Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và người phạm tội này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do số tiền chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng, người phạm tội có thể sẽ bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân...
Bên cạnh đó, theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2021) thì Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không được liệt kê vào các tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.
Vì vậy, dù người phạm tội đã trả hết số tiền cho người bị hại là chị H và chị H đã rút đơn kiện nhưng cơ quan điều tra vẫn sẽ tiến hành khởi tố theo đúng quy định về tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, với việc đã trả hết số tiền chiếm đoạt cho bị hại và được bị hại rút đơn kiện là hành vi tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả nên đây được xem là tình tiết giảm nhẹ trong vụ án hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.