Ngày nay, phần lớn người mua và nhà sưu tập đến từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Tuy nhiên, người ta đang lo ngại về sự tuyệt chủng của các loài bướm quý hiếm.
Tại quán rượu hơn 40 tuổi Tefuya ở Tokyo, chủ quán Kiyomi Kakizawa không chỉ phục vụ rượu và đồ ăn. Ông còn rao bán khoảng 5 nghìn tiêu bản bướm.
Trong những năm qua, quán rượu trên đã trở thành điểm thu hút những người đam mê và những nhà sưu tập loài côn trùng này. Họ đến để xem bản đồ, chiêm ngưỡng các mẫu vật nhiều màu từ khắp nơi trên thế giới và bổ sung một số vào bộ sưu tập của mình thông qua các cuộc đấu giá vui vẻ.
Tuy nhiên, các nghiên cứu phát hiện, trong khoảng 17.500 loài bướm trên thế giới, nhiều quần thể đang suy giảm. Các mối đe dọa đối với sự sống còn của chúng bao gồm mất môi trường sống, các hoạt động thâm canh nông nghiệp như sử dụng thuốc trừ sâu, biến đổi khí hậu và nạn săn trộm.
Săn bắt ngay tại khu bảo tồn
Một số loài bướm hiếm và phổ biến nhất trên thế giới được bảo vệ theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (Cites).
Trong số hơn 40 loài được bảo vệ, hơn một nửa có thể tìm thấy ở Indonesia, nơi sinh sống của khoảng 2 nghìn loài bướm. Tại đây, việc bắt các loài bướm được bảo vệ là bất hợp pháp, trừ trường hợp nuôi nhốt.
Tuy nhiên, không khó để tìm thấy các loài bướm được bảo vệ đang bị mua bán trực tuyến. Hầu hết người bán không kèm theo bằng chứng cho thấy các mẫu vật được nuôi nhốt, khiến tính hợp pháp của chúng bị nghi ngờ, theo một nghiên cứu năm 2021 của Đại học IPB ở Bogor.
Mặc dù là một khu vực bảo tồn, vườn quốc gia Bantimurung Bulusaraung là một trung tâm thương mại nổi tiếng, nơi các loài bướm bị săn bắt và trở thành quà lưu niệm hoặc bán ra nước ngoài cho các nhà sưu tập.
Những món quà lưu niệm xung quanh Công viên Quốc gia Bantimurung Bulusaraung. (Ảnh: CNA).
Thợ săn 33 tuổi, có bí danh là Joyo, ở Bantimurung, Nam Sulawesi, Indonesia là người đã tham gia buôn bán từ khi còn nhỏ. Hiện anh quản lý một nhóm thợ săn xung quanh Công viên quốc gia Bantimurung Bulusaraung, hầu hết đều đang ở độ tuổi đi học. Theo Joyo, những đứa trẻ ở đây làm việc này vì chúng muốn có tiền. Chúng thấy hạnh phúc khi mỗi ngày kiếm được khoảng 0,66 USD.
Joyo cho rằng ngay cả khi những con bướm không bị bắt, chúng vẫn sẽ chết vì chúng chỉ sống khoảng một tháng. Theo Joyo, giá của những con bướm được quyết định bởi mức độ quý hiếm của chúng chứ không phải “kích thước hay chủng loại”. Mẫu vật của một loài quý hiếm đã từng thu về cho anh khoảng 66 USD và giá bán lại của nó sẽ “cao hơn nhiều”.
Các mẫu loài bướm được bán đấu giá tại quán rượu Tefuya. Ảnh: CNA
Khi lắp các mẫu, các cánh bướm phải được ghim để cố định các cánh vào đúng vị trí. Ảnh: CNA
Người hiểu giá trị
Ở Shikoku, Nhật Bản, Tiến sĩ 80 tuổi Haruki đã sưu tập được khoảng 10 nghìn con bướm. Ông bỏ tiền mua 80% bộ sưu tập, trả tới 7.500 USD cho những mẫu đắt nhất. Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng sẽ mở rộng và cho rằng, với tư cách là một nhà sưu tập, thật khó để hài lòng nếu chỉ có một loài bướm.
Tại Nhật Bản, yêu cầu pháp lý duy nhất để nhập khẩu một loài bướm thuộc Phụ lục II của Cites như Ornithoptera croesus là giấy phép xuất khẩu hoặc giấy chứng nhận tái xuất khẩu. Khi có giấy nhập khẩu, việc mua nó không phải là phạm pháp.
Tuy nhiên, các nhà chức trách trên toàn cầu phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc hạn chế buôn bán bất hợp pháp các loài được bảo vệ. Điều này là do khối lượng lớn khách du lịch và hành lý, kiến thức cần thiết của nhân viên thực thi pháp luật và việc làm giả giấy phép.
Ông Hase không đồng ý rằng việc săn bắt bướm là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm loài. Thay vào đó, ông chỉ ra sự biến mất của cây ký chủ mà bướm phụ thuộc vào.
Ông nói thêm, bướm bị chết theo cách này nhiều hơn là săn bắt, đồng thời cho biết “những người thực sự biết giá trị của những con bướm là những nhà sưu tập”.
Nhà làm phim tài liệu Arfan Sabran (phải) với thợ săn các loài bướm Joyo. Ảnh: CNA
Một con bướm Ornithoptera croesus cái. Ảnh: CNA
Một số giải pháp
Một số nhà khoa học không ủng hộ việc ngừng buôn bán, mà là ủng hộ việc sử dụng bền vững loài bướm.
Trong một nghiên cứu được công bố năm nay trên tạp chí Bảo tồn Sinh học, có tiêu đề “Một trong năm loài bướm được bán trực tuyến qua biên giới”, các nhà nghiên cứu cho biết việc thu thập hoặc nuôi bướm trong tự nhiên là bền vững nếu môi trường sống tự nhiên của chúng được bảo tồn.
Họ gợi ý, những người thu gom ở nông thôn có khả năng kiếm được mức lương trung bình tại địa phương bằng cách bán khoảng 3 mẫu vật mỗi ngày nếu họ giao dịch trực tiếp với người sưu tập, thay vì dựa vào trung gian.
Các tác giả của nghiên cứu đề xuất quy mô và mức độ buôn bán loài bướm toàn cầu nên được coi là một hoạt động khai thác tài nguyên bền vững, có mục tiêu, tiềm năng đáng kể trong việc thúc đẩy bảo tồn môi trường sống của chúng.
Trong một nghiên cứu khác, sau khi khảo sát 455 du khách đến Vườn quốc gia Bantimurung Bulusaraung, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, hoạt động buôn bán loài bướm khá lâu đời và phức tạp. Vì vậy các giải pháp đơn giản như cấm mọi hoạt động này không hề dễ dàng.
Họ đề xuất các kế hoạch quản lý kỹ lưỡng, như xác định các loài bướm cần được bảo vệ ngay lập tức và thông báo điều này cho du khách qua các thông báo, biểu ngữ và tài liệu. Các loài ưu tiên nên được trưng bày bằng hình ảnh để dễ nhận biết hơn, đồng thời nên sử dụng tên khoa học và tên địa phương của chúng.
Giám sát viên Jun Hase tại Hiệp hội Khoa học Bướm Nhật Bản. Ảnh: CNA
Trong khi đó, chuyên gia Djunijanti Peggie (Indonesia) tin rằng chăn nuôi tại các địa điểm sinh sản bán tự nhiên là một giải pháp để duy trì sự bền vững cho loài bướm Ornithoptera croesus. Bà đã tài trợ cho một ứng dụng có tên là Kupunesia để khuyến khích mọi người đóng góp dữ liệu về loài bướm.
“Là con người, chúng ta nên thấy rằng mình là một phần của tự nhiên và chúng ta cần chia sẻ thế giới với những sinh vật khác”, bà nói.
Theo CNA
Xem thêm: nhc.253344151318032881-meih-yuq-moub-iaol-gnuhn-ned-ohc/nv.fefac