Cô cho biết hát nhạc Việt mới là cái đích chính của cô, rằng đi học hát opera chỉ để hát Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9, An Thuyên... cho thật hay.
Thêm một giọng hay hát nhạc Văn Cao
Trong CD này, người yêu nhạc được thưởng thức những ca khúc của Văn Cao theo cách riêng của giọng sopano hàng đầu hiện nay.
Chất hùng tráng và tầm vóc đồ sộ lẫn chất du dương, lãng mạn của âm nhạc Văn Cao qua giọng hát thính phòng trong sáng, cao vút, âm vực rộng của Đào Tố Loan càng được tôn vinh. Người yêu nhạc Văn Cao nhận ra có thêm một giọng hát hay cho âm nhạc của tác giả kén ca sĩ này.
Hát cùng Tố Loan ca khúc Đàn chim Việt, ca sĩ Tùng Dương đánh giá Đào Tố Loan không chỉ là một ca sĩ của dòng nhạc opera:
"Với sự khổ luyện, Loan đã chứng minh tấm lòng cháy bỏng với nghề. Khi cô ấy hát, tôi thấy có nhiều đồng cảm ở sự máu lửa, quyết liệt".
Tùng Dương bảo anh còn thích giọng hát của Tố Loan ở chỗ cô được đào tạo bài bản nhưng không bị khô khan hay "trường lớp" quá, mà vẫn có sự bay bổng.
Với album này, Tố Loan tiếp tục gây bất ngờ sau lần làm dậy sóng mạng xã hội khi vừa hát opera vừa plank và yoga trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội kỷ niệm 110 tuổi của nhà hát này.
Nhưng tuổi thơ nhọc nhằn và hành trình gian nan chinh phục âm nhạc thính phòng của cô bé mồ côi nơi quê nghèo mà Tố Loan chia sẻ còn khiến nhiều người bất ngờ hơn nữa.
Đào Tố Loan - Người Hà Nội
Nước mắt mồ côi và nụ cười nghệ sĩ
Tố Loan còn nhớ khi tên cô được xướng lên là quán quân dòng nhạc thính phòng trong cuộc thi Sao mai năm 2011, người làng cô ồ lên kinh ngạc.
Những người dân vùng đồi Thái Nguyên chứng kiến tuổi thơ vất vả của ba chị em gái Tố Loan không thể tin được cô bé tưởng không có nổi cái chữ vì nghèo ấy lại có ngày nổi tiếng trên truyền hình.
Hồi ầy, Tố Loan đang là sinh viên năm thứ nhất của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đi thi Sao mai còn phải mượn váy của bạn vì không có tiền.
Tố Loan là con gái út. Năm Loan lên 6 thì mất mẹ. Có cha nhưng ít được cậy nhờ vì hoàn cảnh riêng, ba chị em hầu như phải nương nhau sống. Chị cả mới hơn chục tuổi thay mẹ chăm sóc các em, chị kế bị bệnh nặng.
Nhà ở gần ga tàu, vậy là đêm đêm chị cả đi xúc quặng, xúc cát thuê ngoài ga tàu. Ngày mùa thì mấy chị em đi gặt thuê, cấy thuê trong làng.
Lúc khó khăn quá, ba chị em quyết định nghỉ học. Các thầy cô giáo phải đến nhà vận động rồi miễn hoàn toàn tiền học, sách vở để ba chị em mồ côi được đến trường.
Gia cảnh của Tố Loan khiến NSƯT Huyền Thanh - mẹ nuôi sau này của cô - trong một lần về thăm đã phải chạy ra lưng đồi khóc một mình. Khi Tố Loan tìm thấy, bà nức nở nói với con gái nuôi: "Sao lại khổ như chị Dậu thế hả con?".
20 tuổi Loan mới bắt đầu vào học Nhạc viện Hà Nội nhờ sự giúp đỡ, động viên của người bạn mà sau này trở thành chồng cô.
Khi ấy, Tố Loan ngày ngày đi dạy thể dục thẩm mỹ và bưng bê ở các quán ăn tại Hà Nội sau khi bỏ học trung cấp kế toán vì thương chị cả vất vả vừa học vừa làm nuôi mấy chị em đến lao lực. Một người bạn vô tình nghe được tiếng hát của Tố Loan đã động viên cô phải thi vào Nhạc viện Hà Nội.
Ngày nhận kết quả đỗ trung cấp thanh nhạc, Tố Loan khóc hết nước mắt. Những năm tháng sinh viên, cô gái vừa học vừa đi hát để vừa nuôi mình vừa nuôi chị đau ốm ở quê. Có khi Tố Loan phải ăn mì tôm suốt hai tháng liền để dành tiền gửi về quê.
May mắn, dù nghèo khổ có làm Tố Loan từng mặc cảm tự ti nhưng cô vẫn giữ được một tâm hồn trong sáng, hồn nhiên. Và chính tuổi thơ vất vả đã hun đúc cho Tố Loan nghị lực theo đuổi con đường trở thành nghệ sĩ opera hàng đầu.
Đào Tố Loan hiện là giọng ca nổi bật của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, đảm nhận những vai chính trong các vở nhạc kịch lớn của nhà hát như Cô Sao, Lá đỏ, Những người khốn khổ... Cô cũng là giảng viên thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Sau giải nhất Sao mai dòng nhạc thính phòng năm 2011, năm 2014 cô giành được giải nhất và giải khán giả bình chọn tại hội thảo Opera Lidal North ở Nhà hát Opera Oslo, năm 2018 là giải nhất cuộc thi opera Đông Nam Á tại Singapore, năm 2019 cô đoạt huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và giải nhì cuộc thi opera Việt Nam, năm 2021 cô giành giải ba bảng chuyên nghiệp của cuộc thi âm nhạc quốc tế MAP (MAP - IMC) được tổ chức từ Los Angeles (Mỹ)...
TTO - "Hôm nay là ngày đau buồn của giới nhạc thính phòng. Phải mất tám năm để đào tạo một sinh viên thính phòng và mất 20 năm để có một giọng opera như Vũ Mạnh Dũng", ca sĩ Phúc Tiệp nói trong nước mắt.