Những người đam mê ôtô có xu hướng đứng vào một trong hai phe: nhóm ngả mũ trước sức mạnh và tốc độ của kỹ thuật ôtô Đức; hoặc đội nghĩ rằng ôtô Nhật Bản vượt trội, độ tin cậy cao và đáng tiền.
Trong nhiều thập kỷ, hai nước này đã tranh giành vị trí nhà xuất khẩu ôtô hàng đầu thế giới. Nhưng sự thống trị của họ sắp kết thúc. Hiện nay, với tư cách là nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới, Trung Quốc cũng đang trên đà vượt qua các đối thủ về xuất khẩu.
Nửa đầu 2023, Trung Quốc là nhà xuất khẩu ôtô lớn nhất thế giới. Từ tháng 1 đến tháng 6, sản lượng xuất khẩu của nước này tăng 77,1% so với cùng kỳ 2022, lên 2,34 triệu xe, theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố. Để so sánh, Nhật Bản xuất khẩu 2,02 triệu xe trong cùng giai đoạn, tăng 16,8%, theo dữ liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản.
Chỉ mới vài năm trước, nỗ lực mở rộng ra thị trường nước ngoài của Trung Quốc vẫn còn khiêm tốn. Năm 2015, Trung Quốc xuất khẩu dưới 375.000 ôtô mỗi năm, ít hơn Ấn Độ và bằng lượng xuất khẩu của Đức và Nhật Bản trong một tháng. Nhưng vào khoảng năm 2020, tình hình đã thay đổi.
Năm 2021, Trung Quốc xuất khẩu gần 1,6 triệu ôtô. Đến năm 2022, họ bán ra nước ngoài 2,7 triệu xe. Doanh số quốc tế dự kiến sẽ tăng hơn nữa vào năm nay. Dữ liệu hải quan cho biết nước này bán hơn 10.000 chiếc mỗi ngày xe nước ngoài trong nửa đầu 2023.
Ngành công nghiệp ôtô non trẻ của Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu sang các nước nghèo. Nhưng giờ đây, nhiều người tiêu dùng phương Tây đang lần đầu tiên mua xe do Trung Quốc sản xuất. Nửa đầu 2023, xuất khẩu sang Australia tăng gấp ba lần so với cùng kỳ 2022, lên hơn 100.000 ôtô. Doanh số bán sang Tây Ban Nha tăng gấp 17 lần, lên gần 70.000 xe.
Một phần trong số này mang nhãn hiệu của phương Tây. Khoảng 10% số xe xuất khẩu vào năm 2022 đến từ Tesla (Mỹ). Cùng với đó là xe hiệu MG, một thương hiệu Anh - Thụy Điển được công ty Trung Quốc mua lại. Nhưng phần lớn lượng xe xuất khẩu còn lại là thương hiệu của chính Trung Quốc.
Sở dĩ nước này tăng tốc xuất khẩu mạnh mẽ là nhờ mảng xe điện. Với tất cả sức mạnh sản xuất của mình, Trung Quốc vẫn chưa bao giờ làm chủ được động cơ đốt trong, loại động cơ có hàng trăm bộ phận chuyển động và rất khó lắp ráp. Nhưng sự xuất hiện của các phương tiện chạy bằng pin, đơn giản hơn về mặt cơ khí và dễ chế tạo hơn, đã giúp họ bắt kịp thế giới, theo Economist.
Đầu tư của chính phủ vào công nghệ xe điện, ước tính trị giá 676 tỷ nhân dân tệ (100 tỷ USD) từ năm 2009 đến 2019, đã đưa nước này lên vị trí dẫn đầu. Ngày nay, xe chạy bằng pin chiếm một phần năm doanh số bán ôtô ở Trung Quốc và một phần ba xuất khẩu. Tại Nhật Bản và Đức, lần lượt chỉ có 4% và 20% sản lượng xuất khẩu là xe điện.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM) vào cuối tháng 7, xe thuần điện có sản lượng và tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các lô hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội tô chở khách Trung Quốc (CPCA), dự báo tốc độ tăng trưởng "bùng nổ" của xuất khẩu xe điện có thể duy trì trong nửa cuối năm do nhu cầu vẫn mạnh ở châu Âu.
Xung đột Ukraine là chất xúc tác thứ hai thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là sang Nga. Khi hầu hết nhà sản xuất ôtô phương Tây đã ngừng hoạt động tại Nga thì các đối thủ Trung Quốc của họ nhanh chóng đến chiếm thị phần. Trong nửa đầu năm 2023, Nga đã nhập khẩu gần 300.000 ôtô Trung Quốc, trị giá 4,5 tỷ USD, tăng gấp 6 lần so với năm 2022. Vào tháng 7, ôtô Trung Quốc chiếm gần 80% lượng ôtô nhập khẩu nước này, theo công ty phân tích Autostat.
Trước đó, báo cáo của CAAM cũng xác nhận Nga là điểm đến lớn nhất của ôtô Trung Quốc trong 5 tháng đầu 2023, tiếp theo là Mexico, Bỉ, Australia và Anh. Tuy nhiên, Bỉ lại là nước nhận nhiều xe điện do Trung Quốc sản xuất nhất trong thời gian 5 tháng, tiếp theo là Anh, Thái Lan và Tây Ban Nha, theo CAAM.
Xe hơi Trung Quốc xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng. Caixin dự báo Trung Quốc vẫn là nhà xuất khẩu ôtô lớn nhất thế giới cả năm nay. Một số nhà phân tích cho rằng sản lượng sẽ hơn 4 triệu chiếc, với đóng góp từ xe điện khoảng 35%. Ông Cui Dongshu còn lạc quan với sản lượng xuất khẩu có thể lên tới 5 triệu chiếc.
Về dài hạn, công ty tư vấn AlixPartners ước tính rằng doanh số bán xe mang nhãn hiệu Trung Quốc bán ra nước ngoài có thể đạt 9 triệu chiếc vào năm 2030, gấp đôi lượng xuất khẩu của Nhật Bản vào năm 2022. Mặc dù những thương hiệu nội địa này vẫn còn tương đối xa lạ ở phương Tây, những chiếc xe này thường có xu hướng rẻ. Trung bình các xe sản xuất tại Trung Quốc có giá chỉ bằng 40% xe sản xuất tại Đức. Do đó, xe Trung Quốc đã trở nên phổ biến ở các thị trường mới nổi như Brazil.
Tuy nhiên, vẫn có thách thức cho xe hơi Trung Quốc. Các nhà sản xuất ôtô điện nước này có thể đạt được doanh thu lớn, nhưng rất ít có lời. Ngành công nghiệp này đang được duy trì bằng các khoản trợ cấp từ nhà nước. Gần đây, sau khi tăng trưởng doanh số bán hàng chậm lại, gói trợ tiếp đã tiếp tục được gia hạn. Tuy nhiên, trợ cấp có thể không tồn tại mãi mãi.
Đó là chưa kể một số rào cản pháp lý. Ví dụ, chính phủ Pháp vào tháng 5 đã công bố kế hoạch trợ cấp cho người mua xe điện mới được sản xuất tại châu Âu, một động thái mà các nhà phân tích cho rằng nhằm giúp ngành công nghiệp ôtô của khu vực chống lại mối đe dọa từ việc nhập khẩu xe điện rẻ hơn của Trung Quốc.
Một thách thức lớn khác là từ Mỹ, nơi chính quyền Biden vào tháng 8/2022 đã ký thành luật Đạo luật giảm lạm phát bao gồm một điều khoản cho phép người mua được ưu đãi thuế lên tới 7.500 USD với xe điện được lắp ráp ở Bắc Mỹ.
Trong khi cuộc cạnh tranh toàn cầu về xe điện vẫn đang ở giai đoạn đầu, các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc nên tránh quá lạc quan về tương lai, theo ông Takaki Nakanishi, CEO công ty nghiên cứu Nakanishi có trụ sở tại Nhật Bản. Ông khuyến nghị họ cần tập trung vào việc xây dựng mạng lưới dịch vụ sau bán hàng ổn định tại các thị trường nước ngoài.
Phiên An (theo Economist, Caixin)