Thực hiện Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, đồng thời quan sát diễn biến giá gạo trong nước thời gian gần đây, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức, doanh nghiệp có liên quan thực hiện nghiêm chương trình bình ổn thị trường mặt hàng gạo, đảm bảo đủ nguồn cung cho người tiêu dùng trong mọi tình huống.
Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, giá bán lẻ các mặt hàng gạo có biến động nhẹ, nhưng dao động trong biên động bình thường, do ảnh hưởng của thị trường gạo thế giới.
Cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh từ 150 - 200 tấn gạo/tháng, Công ty Cổ phần Lương thực Phương Nam cho biết, riêng kênh tiêu dùng nội địa, đã chuẩn bị sẵn nguồn cung, đồng thời không tăng giá bán trong vòng 3 tháng tới.
"Thông báo cho khách hàng về việc giá cả rất ổn định, không có biến động tăng giá. Đây là thời điểm doanh nghiệp phải ổn định giá cả, sản lượng, giúp người tiêu dùng yên tâm mua được sản phẩm tốt với giá cả phải chăng", ông Đinh Quang Thành, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Lương thực Phương Nam, cho biết.
Quầy hàng gạo tại một siêu thị. (Ảnh: PLO)
Các hệ thống siêu thị cho biết, hiện nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo vẫn bình ổn, duy trì mức giá bán gạo trắng thường là 15.500 đồng/kg; gạo trắng thơm là 17.000 đồng/kg. Với tháng cao điểm cuối năm, doanh nghiệp đã chủ động làm việc với nhà cung cấp để nâng tỷ lệ dự trữ gạo từ gần 1.300 tấn lên 1.800 tấn.
"Chúng tôi làm việc rất chặt chẽ với nhà cung cấp để đảm bảo trữ lượng nhất định như Chính phủ yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực; làm việc với các định chế tài chính tham gia vào hỗ trợ kinh phí nhằm giảm thiểu chi phí cho đơn vị sản xuất, cung ứng để duy trì mức giá phù hợp nhất", ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh, thông tin.
Gạo là một trong những mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh. Mỗi tháng, các doanh nghiệp tham gia chương trình này cung ứng cho thị trường thành phố hơn 3.300 tấn gạo. Giá bán luôn đảm bảo thấp hơn giá thị trường 5%. Bên cạnh giữ giá bán trong chương trình bình ổn, các mặt hàng ngoài chương trình cũng đang được doanh nghiệp thực hiện khuyến mãi để kích cầu.
"Sở Công Thương vẫn đang theo sát tình hình, diễn biến thị trường, giá gạo trên thị trường TP Hồ Chí Minh. Nếu xảy ra hiện tượng đột biến hoặc hiện tượng găm hàng thì sẽ có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo giá cả ổn định", ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng tăng cường vai trò kết nối giao thương với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để cân đối cung cầu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong trường hợp có biến động cục bộ, các điểm bán hàng lưu động sẽ nhanh chóng được kích hoạt.
VTV.vn - Giá gạo cao tăng khiến nhiều nơi nhấp nhổm theo, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bún, phở, bột.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.21581439041803202-hnid-no-oag-aig-oab-mad-gnourt-iht-no-hnib-hnim-ihc-oh-pt/et-hnik/nv.vtv