Các hãng hàng không ở Mỹ và châu Âu đang gấp rút tìm phụ tùng và động cơ máy bay thay thế để tránh bị hủy chuyến, sau khi nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney ban hành lệnh thu hồi sản phẩm vào tháng trước.
Vào tháng 7, Pratt & Whitney tuyên bố hơn 1.000 động cơ cần được tháo ra khỏi máy bay Airbus và kiểm tra.
Thông báo này đã buộc một số hãng hàng không, bao gồm Spirit Airlines, JetBlue Airways và Hawaiian Airlines ở Mỹ và Wizz Air ở châu Âu, phải thay đổi lịch bay hoặc cho một số máy bay ngừng hoạt động.
Giữa bối cảnh trên, Wizz Air đã cắt giảm mục tiêu tăng trưởng, đồng thời xem xét tạm thời hủy bỏ một số chuyến bay hoặc đường bay.
Hãng hàng không này cũng cảnh báo các vấn đề về động cơ đang gây áp lực lên hoạt động bảo trì của họ.
Trong khi đó, Spirit Airlines nói với các nhà đầu tư trong tháng này rằng với ít máy bay hơn, họ "có thể sẽ bị thừa nhân viên" trong quý 4-2023 và đầu năm 2024.
Giám đốc điều hành của JetBlue Joanna Geraghty cũng thông báo với nhà đầu tư rằng công ty đang tìm cách cho thuê động cơ để giảm thiểu hậu quả của việc loại bỏ "một số ít" động cơ khỏi máy bay vào tháng tới.
"Chúng tôi đang cố gắng thực hiện bất kỳ biện pháp tự cứu nào có sẵn. Nhưng như ta đã biết, nguồn cung rất hạn chế", bà Geraghty nói.
Pratt & Whitney đã ban hành lệnh thu hồi sau khi phát hiện ra kim loại được sử dụng để sản xuất một số bộ phận động cơ bị nhiễm bẩn, có thể gây ra các vết nứt.
Công ty mẹ RTX của Pratt & Whitney cho hay khoảng 1.200 trong số 3.000 động cơ phản lực cánh quạt của công ty sẽ cần được kiểm tra sớm hơn kế hoạch. Khoảng 200 cuộc kiểm tra này sẽ diễn ra vào giữa tháng 9 tới đây.
Pratt & Whitney ra mắt động cơ GTF vào năm 2016. Đây là một trong hai động cơ có thể được sử dụng trên máy bay phản lực thân hẹp Airbus A320neo, loại máy bay bán chạy nhất thế giới.
Theo tờ Financial Times, RTX đã hứa bồi thường cho các hãng hàng không. Giám đốc điều hành Greg Hayes của hãng thừa nhận việc thu hồi "sẽ rất tốn kém".
Nguồn cung động cơ máy bay đã khan hiếm trong hơn một năm qua, khi các nhà sản xuất lớn Boeing và Airbus phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu về máy bay mới.
Ngày 3-7 (giờ địa phương), khoảng 214.000 gia đình và doanh nghiệp trên khắp miền Đông nước Mỹ đã lâm vào cảnh mất điện do bão mạnh, chỉ một ngày trước Quốc khánh Mỹ 4-7.