Nhiều người dân nhận định phạt nguội nhưng hiệu quả "nóng" bởi nhờ đó giám sát giao thông tốt hơn, ý thức người dân được nâng cao.
Phạt nguội, hiệu quả nóng
Anh Trần Hoàng V. - một chủ xe ở TP Thủ Đức - cho biết anh nhiều lần chủ quan vi phạm tốc độ ở TP.HCM, tỉnh Bình Thuận. Sau đó, anh nhận được các thông báo phạt nguội gửi về địa chỉ cư trú yêu cầu anh đến nộp phạt. Anh cộng dồn các lỗi thì mức phạt gần 20 triệu đồng nên quyết định... trốn nộp phạt.
Hầu hết bạn bè anh đều "lách luật", chờ hết hạn xử phạt hành chính là biên bản coi như "vô hiệu". Thế nhưng, vào tháng 5-2023 vừa qua xe anh hết hạn đăng kiểm và bị từ chối đăng kiểm do chưa nộp phạt.
"Tôi bắt buộc phải đến Công an TP Thủ Đức nhận quyết định xử phạt, đóng phạt đầy đủ để xe được đăng kiểm. Đây là một bài học "xương máu" đối với tôi về chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Cách tốt nhất để không bị phạt nguội là không vi phạm tốc độ, không vượt đèn đỏ..." - anh V. nói.
Phạt nguội nhưng hiệu quả đã bắt đầu chế tài được trường hợp cố tình trốn tránh, lách luật. Theo anh V., rất may là người vi phạm có thể nộp phạt nguội online hoặc nộp ở công an địa phương rồi đăng ký nhận lại giấy tờ tại nhà. Người vi phạm cũng đỡ tốn thời gian, công sức đi lại. Nhiều người công nhận phạt nguội đảm bảo được tính công khai, tránh tiêu cực.
Theo thượng tá Nguyễn Văn Bình - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM - hiện nay phạt nguội ở TP.HCM đã có kết quả trong xử phạt giao thông. Thực tế tỉ lệ chấp thuận đóng phạt đã cao hơn khi mới triển khai, góp phần giảm vi phạm giao thông, tai nạn giao thông...
Trong đó, việc phạt nguội còn đảm bảo tính công khai, minh bạch suốt quá trình xử lý. Người dân thậm chí có thể ngồi nhà nộp phạt, nộp tại công an nơi cư trú.
Trong sáu tháng đầu năm 2023, thống kê CSGT TP.HCM đã phạt nguội 14.060 trường hợp, thu nộp vào Kho bạc Nhà nước 32,5 tỉ đồng. Phòng PC08 đang phối hợp các đơn vị tiếp tục xác minh, tiến hành xử phạt những trường hợp vi phạm.
Phòng PC08 cho biết hiện tổ chức phạt nguội bằng nhiều hình thức, như: thông qua hệ thống camera quan sát, giám sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera cầm tay, máy đo tốc độ...).
Một số hình ảnh do người dân quay lại cung cấp được đơn vị ghi nhận, gửi thông báo cho chủ xe, yêu cầu chủ xe hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan đến phối hợp giải quyết vụ việc theo quy định. Nhờ đó giảm tải cho lực lượng CSGT trong việc tuần tra, kiểm soát nhưng vẫn đảm bảo được tình hình trật tự an toàn giao thông.
Ngoài ra, việc phạt nguội còn giúp lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ việc khác về an ninh trật tự, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông để kịp thời bố trí CSGT giải quyết kịp thời cho dân đi lại thuận tiện, an toàn.
"Có thể thấy, quá trình xử phạt dần nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, lực lượng CSGT nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ cũng phù hợp xu hướng phát triển chung của TP.HCM", Phòng PC08 nhận định.
Còn gặp khó, cần thêm giải pháp
Dù vậy, Phòng PC08 cũng chia sẻ lực lượng CSGT gặp một số khó khăn khi phạt nguội. Ví dụ, có người dân đã chuyển chỗ ở, bán xe nhưng không cập nhật vào đăng ký xe. Như vậy, CSGT rất khó xác minh làm mất thời gian, trì trệ quá trình xử phạt. Trong đó, biện pháp chặn đăng kiểm chỉ có tác dụng khi xe đến hạn đăng kiểm thì người dân mới chịu đóng phạt.
Đề xuất giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả phạt nguội, ông Nguyễn Văn Huấn (một người dân quận 5) góp ý 3 điểm. Thứ nhất, do hệ thống camera chưa đồng bộ, chỗ có chỗ không nên ở những đường không có camera thì tài xế vẫn vô tư vi phạm.
TP.HCM nên đầu tư đồng bộ hệ thống camera và các đơn vị quản lý chia sẻ dữ liệu vào hệ thống chung để dễ giám sát, quản lý. Thứ hai, tất cả các trường hợp đã bán xe, chuyển chỗ ở, cho thuê xe... đều quy trách nhiệm nộp phạt giao thông cho chủ xe trên đăng ký và bắt buộc nộp phạt.
Đặc biệt, hiện quá trình nộp phạt nguội online hay trục trặc bởi đường dẫn mạng, liên kết ngân hàng... TP.HCM cần có phương án khắc phục, đơn giản thủ tục cho người dân nộp online dễ dàng hơn.
Để khắc phục những khó khăn, bất cập nói trên, Phòng PC08 tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu và chấp hành việc xử lý vi phạm qua hình ảnh, xây dựng hệ thống giám sát camera tập trung của TP.HCM.
Đối với xe doanh nghiệp kinh doanh vận tải là chủ sở hữu, Phòng PC08 sẽ mời đại diện doanh nghiệp đến phối hợp nhận thông báo vi phạm và yêu cầu doanh nghiệp chuyển đến tận tay tài xế doanh nghiệp mình. Đồng thời có trách nhiệm đôn đốc tài xế vi phạm chấp hành đóng phạt theo quy định.
Và tham mưu, đề xuất cơ quan cấp trên xem xét bổ sung vào nghị định, thông tư, các văn bản quy phạm pháp luật có thêm nhiều hình thức ràng buộc chủ xe/người vi phạm chấp hành xử phạt.
Phạt nguội quá tải trọng ở TP.HCM
Lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết từ tháng 6-2023, TP.HCM cũng chính thức triển khai thí điểm phạt nguội xe quá tải tại trạm kiểm tra tải trọng xe số 3, khu vực cầu Ông Lớn (hướng lưu thông từ huyện Bình Chánh đi quận 7) và trạm kiểm tra tải trọng xe số 6, số 7 tại khu vực trạm thu phí An Sương - An Lạc.
Hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự và kiểm tra, xử lý xe vi phạm quá tải đang gặp nhiều khó khăn như việc phối hợp dừng xe, truy đuổi, xử lý các hành vi chống đối, gây rối trật tự khu vực trạm cân nên cần thiết áp dụng phạt nguội.
Xe ô tô của tôi có một vi phạm giao thông bị phạt nguội cách đây hai năm. Tuy nhiên theo tôi biết thì thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là trong vòng một năm. Vậy bây giờ tôi có thể đóng phạt được không?