Không chỉ giao thông mà cả lợi ích cộng đồng cũng bị "đứt khúc", trong khi cơ sở pháp lý đã có là điều mà người dân và nhiều chuyên gia băn khoăn.
Những chướng ngại trên con đường tuyệt đẹp
Hãy hình dung một buổi chiều mát mẻ, người dân TP.HCM chạy xe dọc trên con đường ven sông tuyệt đẹp từ chân cầu Khánh Hội (quận 1) theo đường Tôn Đức Thắng đến chân cầu Ba Son, tiếp tục đi ven sông luồn qua chân cầu Thủ Thiêm, đi qua hai khu dân cư hiện đại là Saigon Pearl và Vinhomes, còn bên kia bờ sông với hàng cây xanh ngát cho tới tận chân cầu Sài Gòn.
Quãng đường dài 4,1km tuyệt đẹp này không chỉ thêm một lựa chọn đi lại cho người dân mà còn trở thành một biểu tượng mới của Sài Gòn, một điểm nhấn của TP ven sông và mục tiêu "đánh thức sông Sài Gòn" mà lãnh đạo TP đang quyết tâm thực hiện.
Thế nhưng, đoạn đường lẽ ra phải đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt này lại đang bị tắc bởi ba chướng ngại.
Đó là điểm tại khu cảng Ba Son cũ kéo dài đến khu vực sân golf tại chân cầu Thủ Thiêm 1. Sau đó, đoạn đường thông được một đoạn và bị chắn ngang bởi bức tường ngăn cách giữa khu dân cư Saigon Pearl và Vinhomes.
Theo nhiều nhà quản lý và các chuyên gia đô thị, tháo dỡ những chướng ngại để thông đường, đưa không gian và lợi ích ven sông về cho cộng đồng là điều cần làm ngay khi pháp lý và quy hoạch đã có đủ.
Đủ pháp lý để mở đường lộ giới 35m
Với bức tường giữa Saigon Pearl và Vinhomes, tháng 12-2022 UBND TP.HCM đã có chỉ đạo rà soát pháp lý để phá tường thông đường. Thời điểm đó, dư luận đặt ra vấn đề thông đường không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông mà còn có thông điệp hãy trả lại bờ sông cho cộng đồng, không thể biến của chung thành của riêng từng dự án.
Câu hỏi đặt ra là con đường ven sông bị chặn bởi bức tường nằm trong quy hoạch hay không, rộng bao nhiêu? Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đến nay các sở ngành cùng các địa phương liên quan đã cung cấp thông tin về pháp lý cho thấy hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn 50m, có một con đường ven sông nằm trong các quy hoạch.
Trong kết quả rà soát của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 đã định hướng tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn tiếp giáp quận 1 nối tiếp phía dưới cầu Thủ Thiêm 1 và cầu Sài Gòn, đến khu vực cầu Kinh Thanh Đa (quận Bình Thạnh).
Còn đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận Bình Thạnh đến năm 2020 tỉ lệ 1/5.000 định hướng quy hoạch đoạn đường ven sông này rộng từ 18 - 35m.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đối với dự án Saigon Pearl, vào năm 2004 sở đã có văn bản về việc thỏa thuận quy hoạch - kiến trúc xây dựng (tỉ lệ 1/500) tại khu đất gần 10,4ha, đường ven sông Sài Gòn rộng 15m (nằm trong ranh hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn 50m).
Đồng thời, phần diện tích đất công viên cây xanh tập trung 12.817m2 của dự án cũng nằm trong hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn. Còn với khu dân cư Vinhomes và trường tiểu học và trung học cơ sở, đường ven sông được quy hoạch rộng 35m.
Như vậy, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã xác định đường ven sông qua dự án khu dân cư Vinhomes là 35m, qua dự án Saigon Pearl thì tuyến đường ven sông Sài Gòn có lộ giới 15m, chưa đồng bộ với các dự án còn lại. Lý do chưa đồng bộ, theo sở, là bởi quá trình phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và triển khai dự án trước thời điểm lập quy hoạch chung.
"Nếu triển khai tuyến đường ven sông Sài Gòn từ cầu Thủ Thiêm 1 đến cầu Sài Gòn đồng bộ với lộ giới 35m thì cần được UBND quận Bình Thạnh rà soát việc thực hiện quy hoạch và đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp", Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất.
Gần 1.800 tỉ, có thể làm trước 2025
Đoạn từ cầu Thủ Thiêm 1 đến cầu Ba Son và ra đến bến Bạch Đằng hiện cũng đang bị "tắc" tại hai điểm: sân tập golf Him Lam - Ba Son và khu mặt bằng chưa bàn giao ngay dưới chân cầu Ba Son.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã chủ trì, phối hợp lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu công viên Bến Bạch Đằng. Theo bản vẽ của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, phía dưới chân cầu Ba Son là con đường thông suốt nối từ cầu Khánh Hội, bến Bạch Đằng đến các khu dân cư ven sông tại Ba Son, đồng thời có cả một bến tàu để phục vụ giao thông thủy công cộng, bến đậu du thuyền.
Một cán bộ của Sở Giao thông vận tải cho biết đoạn từ bến Bạch Đằng qua cầu Ba Son đến cầu Sài Gòn gần 4km hiện nay đã có quy hoạch sẽ làm trước. Tuy nhiên cần điều chỉnh cục bộ hướng tuyến, bổ sung mặt cắt ngang một số đoạn.
Đại diện của Sở Giao thông vận tải cũng cho biết tuyến đường ven sông khu trung tâm sẽ được ưu tiên. UBND TP đã giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ban quản lý xây dựng các công trình giao thông lên phương án hoàn chỉnh dự án đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến cầu Bình Triệu theo quy hoạch được duyệt (quy mô, phân kỳ đầu tư, nguồn vốn…).
Dự án này về mặt bằng rất thuận lợi bởi một số đoạn nhà đầu tư dự án bất động sản đã triển khai, TP sẽ nghiên cứu để hình thành tuyến đường trước năm 2025. Theo phương án sơ bộ, đường ven sông từ cầu Ba Son đến đường chui dưới cầu Sài Gòn khoảng 1.780 tỉ đồng, trong đó chi phí mặt bằng trong tổng mức đầu tư rất thấp chỉ khoảng 105 tỉ đồng.
Phải trả không gian cho cộng đồng
Việc nối liền con đường ven sông tuyệt đẹp giữa trung tâm TP, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ (trưởng khoa văn hóa học Trường đại học KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM), tốt về cả mặt cảnh quan và giao thông, cũng là cách "gắn" người dân TP chặt hơn với dòng sông.
"Năm 2022 chúng tôi đã khảo sát, lấy ý kiến, ai cũng ao ước đường ven sông được khơi thông một mạch ở khu vực trung tâm. Phía trước công viên Bến Bạch Đằng hiện đã có tuyến đường Tôn Đức Thắng ôm theo bến và sông rất đẹp. Còn từ đoạn đường Tôn Đức Thắng hướng về Bình Thạnh bị "khựng lại" ngay chân cầu Ba Son và cần phải thông suốt", PGS Thơ đánh giá.
TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - chia sẻ việc làm đường ven sông Sài Gòn rất cần thiết, đặc biệt là đoạn ở trung tâm TP.HCM đã thành hình một phần (từ bến Bạch Đằng hướng đi cầu Sài Gòn).
Trước nay, TP cũng đã có chủ trương, thúc đẩy làm dự án đường ven sông. Trước khi tính đến tính khả thi của việc triển khai đồng bộ toàn dự án dài cả trăm km từ đường ven sông Sài Gòn ở TP.HCM đến Tây Ninh thì cần làm những đoạn có sẵn ngay trung tâm TP.HCM.
"TP.HCM đã làm được các dự án lớn, nay còn có nghị quyết 98 hỗ trợ rất nhiều, tại sao chúng ta không làm được?", TS Cương nói.
Mở đường, mở cơ hội tiếp cận tiện ích bờ sông
Theo Sở GTVT, đường ven sông Sài Gòn đoạn ở trung tâm thông suốt sẽ chia sẻ lưu lượng rất lớn cho đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng như các tuyến đường trục đi vào trung tâm như Xô Viết Nghệ Tĩnh…
Không chỉ giao thông, con đường còn mở ra không gian cho người dân tiếp cận các tiện ích ở công viên bờ sông cũng như tổ chức các loại hình giao thông công cộng, đặc biệt là khi tuyến metro số 1 đưa vào khai thác.
Liên thông với bến Bạch Đằng
Hiện TP.HCM đang triển khai lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu công viên Bến Bạch Đằng, bao gồm định hướng phát triển giao thông, quy hoạch xây dựng không gian trên mặt đất và phát triển không gian ngầm.
Qua quá trình rà soát, nghiên cứu về tính chất các trục đường, không gian kiến trúc cảnh quan khu vực, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã gửi hai bản vẽ phương án ý tưởng quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu vực công viên Bến Bạch Đằng (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) đến các sở ngành xem xét, có ý kiến góp ý để báo cáo đề xuất trình UBND TP.
Phúc đáp lại nội dung này, đối với quy hoạch và tổ chức giao thông đường bộ cho hai giai đoạn của ý tưởng, Sở GTVT góp ý cần bổ sung đầu tư cầu cảng đồng thời với đường ven sông Sài Gòn. Cụ thể là đoạn từ cầu Ba Son đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để tạo mạng lưới giao thông liên thông đồng bộ với khu vực bến Bạch Đằng.
Ngoài ra hiện nay, đối với quy hoạch tuyến tramway số 1 (bến xe Miền Tây hiện hữu - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng - Ba Son) là tuyến xe điện mặt đất chạy dọc sông. Sở này cũng đã tham mưu cho UBND TP giữ nguyên theo quy hoạch phát triển giao thông được Thủ tướng Chính phủ phê. Đồng thời nghiên cứu kéo dài tuyến theo hành lang đường ven sông Sài Gòn đang nghiên cứu để phát triển du lịch, dịch vụ ven sông.
Dòng sông mượt mà, con đường thênh thang
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Kim Toản, giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (quản lý tuyến Sài Gòn Waterbus), nhận định không cần đến một chuyên gia mà một người dân cũng thấy được cái lợi của việc thông suốt tuyến đường ven sông qua trung tâm TP.HCM.
Thứ nhất, con sông lúc hình thành nó đã chảy mượt mà qua thành phố. Hiện tại công trình xây dựng khiến bờ sông chỗ trồi ra, chỗ lõm vào khiến dòng chảy mất đi sự tự nhiên và vẻ đẹp vốn có.
Thứ hai, còn gì tuyệt vời hơn khi có con đường ven sông. Người dân có thể thênh thang đi trên một con đường từ quận 1 đến Bình Thạnh. Cảm giác đó còn gì vui bằng khi có một không gian đẹp tuyệt vời. Người dân đi lại, tập thể dục trong một không gian mà TP dành cho họ. Và không gian này sẽ còn lại cho các thế hệ mai sau.
Thứ ba, nó sẽ giải quyết được vấn đề đi lại cho người dân TP. Xe cộ không còn dồn lại vào tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh để vào trung tâm TP.
"Chúng ta đã có bến Bạch Đằng sau khi chỉnh trang tạo không gian bên phố bên sông tuyệt vời. Giờ đây nếu đường thông suốt các đoạn đang nghẽn thì không gian này càng được mở rộng hơn để phục vụ người dân, cộng đồng", ông Toản phân tích.
Đó là đoạn đường ven sông xuyên trung tâm TP.HCM, có pháp lý và hiện trạng rõ nét. Nhưng vì còn những "chướng ngại" nên chưa thể nối liền.