Sáng 15-8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đăng đàn trả lời chất vấn về giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực trong xây dựng pháp luật; giải pháp chặn thông đồng dìm giá trong đấu giá tài sản, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đâu là nguyên nhân tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm?
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) viện dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp về việc có nơi né tránh trách nhiệm trong tham mưu xây dựng pháp luật. Trước thực tế trên, ông Bình đặt câu hỏi đâu là nguyên nhân chính và giải pháp khắc phục.
Đồng thời, ông cũng hỏi bộ trưởng Bộ Tư pháp về thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng như giải pháp nâng cao hiệu quả trong kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Trả lời, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận có tình trạng sợ trách nhiệm, và việc này không chỉ xảy ra ở Bộ Tư pháp.
Ông cho biết Tổng bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói nhiều về khâu yếu là tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng "tiện cho mình", hoặc hiểu về pháp luật còn chưa thống nhất, có tình trạng hành chính hóa.
"Những yếu tố đó cộng với ảnh hưởng của việc nọ việc kia nên các bộ ngành chưa chủ động, nên có những trường hợp cực đoan. Như đáng lẽ ban hành thông tư như trình tự bình thường, cứ trao đi đổi lại làm để theo thủ tục rút gọn, mất 4-5 tháng để quyết định xem có rút gọn hay không, thì thà làm chính thức ngay từ đầu" - ông nêu thực tế.
Ông cho biết Bộ Nội vụ được giao ra nghị định về bảo vệ người dám nghĩ dám làm. Nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết bởi đây chỉ là nghị định, còn những vấn đề liên quan lại ở tầm luật.
Nghiên cứu việc đấu giá trực tuyến
Tiếp tục chất vấn bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết báo cáo 255 của Bộ Tư pháp gửi Đại biểu Quốc hội có nêu hạn chế bất cập, như trong hoạt động đấu giá tài sản. Thời gian qua có bao nhiêu đấu giá viên vi phạm, phải xử lý?
Bà Thúy đề nghị bộ trưởng đánh giá trách nhiệm của mình và nêu giải pháp phòng ngừa vi phạm.
Trả lời, bộ trưởng tư pháp thừa nhận thời gian qua có vi phạm như thông đồng dìm giá, quân xanh quân đỏ; kỹ năng, năng lực hành nghề của đấu giá viên hạn chế; đây là một thực tế.
Nêu ví dụ, ông Long cho biết trong 5 năm, từ 2018-2022 có 142 cuộc thanh tra đấu giá tài sản, phạt vi phạm gần 2 tỉ đồng, cũng có một số trường hợp chuyển cơ quan điều tra, truy tố đấu giá viên như ở Đông Anh, Hà Nội.
Trước thực tế trên, ông cho biết Bộ Tư pháp sẽ định hướng sửa Luật Đấu giá theo hướng siết chặt một số quy định để tránh thông đồng, dìm giá; tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ đấu giá, phát triển đấu giá trực tuyến.
Ông Long cho biết đấu giá trực tuyến sẽ là giải pháp tốt "để phần nào ngăn chặn thông đồng, dìm giá, không công khai, minh bạch". Đồng thời, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu mô hình giao cho một công ty đấu giá xây dựng và vận hành một trang thông tin điện tử về đấu giá.
"Chả lẽ cả hệ thống tư pháp bó tay" về "kỳ án gỗ trắc"?
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đặt câu hỏi: Về xử lý vụ án ra quyết định trái pháp luật tại Cơ quan cảnh sát điều tra (C44 Bộ Công an), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Lê Minh Trí cho rằng do không có cơ quan nào giám định, định giá lô gỗ vật chứng đã bán đi một cách khuất tất, nên không có cơ sở đánh giá hậu quả, hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, dù khởi tố vụ án nay phải đình chỉ.
Trước thực tế trên, ông đề nghị bộ trưởng cho biết trách nhiệm giám định này thuộc về cơ quan nào và bộ trưởng có giải pháp gì để việc giám định vụ việc này được thực hiện, khi nào sẽ hoàn tất việc giám định này?
Đại biểu cũng đề nghị viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải trình làm rõ thêm về vụ việc này?
"Nói như viện trưởng thì chẳng lẽ cả hệ thống tư pháp đành bó tay để tội phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật? Như vậy có mâu thuẫn không?", đại biểu đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Bộ Tư pháp tham gia vào một việc duy nhất trong vụ gỗ trắc ở Quảng Trị. Đó là trả lời văn bản rằng các tổ chức giám định chưa được công bố trong danh sách có đủ thẩm quyền theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp để làm việc này không.
"Chúng tôi nói là đủ. Cụ thể, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đủ điều kiện. Chúng tôi chỉ khẳng định về mặt hình thức và quy định của pháp luật về giám định, chứ Bộ Tư pháp không có thẩm quyền đi vào nội dung" - ông Long nói.
Tham gia trả lời chất vấn về nội dung câu hỏi của đại biểu Hoàng Đức Thắng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết đây là 2 vụ án: 1 là vụ án buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đã được xét xử sơ thẩm và phúc thẩm; 2 là vụ án ra quyết định trái pháp luật.
Hiện cơ quan điều tra mới ra quyết định tạm đình chỉ chứ không phải là dừng điều tra. Khi có kết quả giám định sẽ phục hồi điều tra.
Ông Trí cho rằng hiện các cơ quan giám định chưa có kết quả nên không xác định được hậu quả thiệt hại nên chưa tiếp tục xử lý. Đây là 2 vụ án khác nhau, đối tượng và thời điểm xác định hậu quả là khác nhau.
Vì vậy, theo ông Trí, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng thực hiện đúng trách nhiệm và đúng quy định. Khi chưa có căn cứ kết quả giám định thì cơ quan điều tra chưa thể tiếp tục thực hiện chức năng điều tra, mà phải tạm đình chỉ để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Dù Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết đã trả lời 9 lần về vụ án gỗ trắc Quảng Trị, tuy nhiên sau đó đại biểu Quốc hội tỉnh này vẫn tiếp tục tranh luận.