Thuê người đóng giả cha mẹ
Công an Hòa Vang (Đà Nẵng) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quyết định tạm giam Đỗ Thị Yến Ly (35 tuổi, trú Hưng Yên) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ly bị cáo buộc đã thuê người đóng giả cha mẹ, họ hàng để làm đám cưới rồi lừa đảo nhà chồng.
Vào ngày 3-8, Công an huyện Hòa Vang nhận được tin báo của gia đình bà N.T.K.Y. (trú huyện Hòa Vang) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua điều tra xác định khoảng tháng 4-2022, Đỗ Thị Yến Ly đến Đà Nẵng đi xe Grab thì quen biết với tài xế là anh V.N.K. (29 tuổi, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Lúc này, Ly lấy tên giả là Đỗ Yến Nhi và có nhiều lần tiếp xúc, liên lạc với anh K. nên hai bên nảy sinh tình cảm.
Khoảng tháng 7-2022, anh K. đưa Ly về nhà ra mắt gia đình. Ly đã nói dối rằng nhà mình ở tỉnh Gia Lai đang sở hữu một công ty xe khách. Việc này nhằm thể hiện gia đình Ly cũng khá giả để có điều kiện tiếp cận gia đình anh K..
Ít tháng sau, Ly thông báo đã có thai với K. nên cả hai dự định tổ chức đám cưới. Ly đã bỏ tiền ra thuê người đóng giả cha mẹ, họ hàng nhà gái để tổ chức đám cưới tại Gia Lai. Ly còn mượn sổ đỏ và vàng giả đưa cho những người được thuê làm cha mẹ, họ hàng… để trao cho vợ chồng Ly trong đám cưới.
Sau đám cưới, Ly nhiều lần đưa các thông tin gian dối nhằm mượn tiền để chiếm đoạt. Ly nói dối là cha mẹ mình đã mua cho vợ chồng Ly hai xe khách loại 34 chỗ để chạy tuyến Gia Lai - Đà Nẵng, hiện đang cần tiền để mua một xe khác.
Ly nói với nhà chồng rằng đã được bố mẹ mua cho căn nhà giá 9 tỉ đồng ở Đà Nẵng, thực tế nhà này Ly đi thuê...
Vì tin tưởng vỏ bọc của "con dâu" nên anh K. và gia đình đã nhiều lần cho Ly vay, mượn tiền với tổng số tiền hơn 2,4 tỉ đồng.
"Diễn viên" đóng thuê có phạm luật?
Về hành vi gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư Trần Hậu - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng - cho rằng theo quy định, "con dâu" như báo chí đề cập có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo điều 174 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt rất nặng, cao nhất là tù chung thân.
Với những người đóng giả làm cha mẹ của "cô dâu" có được xác định phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án này hay không còn cần phải được điều tra, làm rõ.
Theo điều 17 Bộ luật Hình sự, nếu những người đóng giả này cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì họ là đồng phạm.
Theo đó, nếu những người này cùng cố ý thực hiện mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản với "cô dâu" giả, thì họ cũng bị xử lý trách nhiệm vai trò đồng phạm, vai trò của họ là giúp sức cho người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Nếu họ hoàn toàn không biết "cô dâu" giả thuê mình với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không biết có sự việc chiếm đoạt tài sản; họ đóng giả bố mẹ chỉ vì "cô dâu" thuê cho mục đích nào đó khác; vì tiền thuê nên đã đóng giả mà hoàn toàn không có cùng ý chí thực hiện hành vi lừa đảo; không biết việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của "cô dâu" thì họ không bị xem xét trách nhiệm hình sự vai trò đồng phạm.
Tuy nhiên, dù thế nào thì hành vi đóng giả bố mẹ "cô dâu" cũng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, hành vi đó có tính chất lừa dối trong trường hợp kết hôn.
Việc lừa dối kết hôn cùng với "cô dâu" sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại nghị định số 82.
Hai bị cáo bịa đặt chuyện có quen biết với lãnh đạo công an địa phương để lừa đảo chạy án, chuyển công tác… chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.