Việc Google hay một số trang tin thế giới đánh giá cao năng lực của ngành game Việt Nam là chính xác.
Game được cấp phép ở Việt Nam nhiều hơn Trung Quốc
Nếu lấy những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Onesoft, Amanotes, iKame... ở góc độ nhà phát hành cùng những nhà phát triển đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường quốc tế như Topebox, Hiker Games hoặc Zitga, chúng ta không hề thua kém với các tên tuổi đứng đầu thế giới về chuyên môn.
Có chăng Việt Nam cần nhiều hơn những doanh nghiệp game như vậy để tạo nền móng vững chắc, tạo nên một cường quốc làm game. Với một quốc gia có cái nhìn khởi đầu chưa thiện cảm với ngành game, từ hơn 10 năm trước, cộng đồng doanh nghiệp game đã thấy nhiều chuyển biến lớn của Nhà nước trong việc từng bước tạo nền tảng và điều kiện ngày một thuận lợi hơn để ngành game phát triển.
Những năm gần đây, sự cởi mở hơn trong việc xây dựng sân chơi chung cho các nhà phát triển game (gần đây nhất có Ngày hội game Việt Nam - Vietnam Gameverse 2023), sự hình thành của Liên minh Games Việt Nam VGDA và sự hỗ trợ của các đơn vị báo đài trong công việc lan tỏa những thành tựu của ngành game Việt Nam rộng rãi là những bước tiến rất dài.
Việc phát hành game ở Việt Nam cũng đã có nhiều thuận lợi hơn, mà bằng chứng là số lượng game được cấp phép trong những năm gần đây ở Việt Nam nhiều hơn hẳn những game được cấp phép ở thị trường nội địa Trung Quốc.
"Chắp cánh" cho ngành game
Đặc biệt, việc Chính phủ quyết định chưa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online cho thấy Quốc hội và Nhà nước đã có quan tâm đến ngành game và nguyện vọng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngành game vốn là một nhánh doanh thu số có tỉ trọng khủng ở các thị trường thế giới. Do đó cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần nhiều hơn những cơ hội để tự tin sáng tạo và thể hiện giá trị Việt.
Những giúp đỡ về việc nâng cao giải pháp công nghệ để doanh nghiệp có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp mới tiếp cận nguồn vốn rẻ... Trong nhiều năm qua, thứ làm bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam lại là điều mà họ không ngờ nhất: sáng tạo và đi đầu.
Từ một quốc gia chuyên gia công, Việt Nam được biết đến với những tựa game hoàn toàn mới (không vay mượn gameplay - mô hình chơi game - từ ai, hoàn toàn đến từ bộ não người Việt), thậm chí còn mở ra một định nghĩa mới về làm game và mô hình kinh doanh game (thể loại Hyper Casual với Flappy Bird, Blockchain Game với Axie Infinity). Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh sáng tạo và khai phá tiếp những cơ hội mới để tiếp tục là quốc gia dẫn đầu trong những thị trường tương lai.
Trên thế giới đã có rất nhiều công ty game nổi tiếng, có những tựa game đình đám với doanh thu, lợi nhuận rất lớn. Trong đó có một số quốc gia có nhiều chính sách hỗ trợ tốt cho ngành game, nhưng cũng có những quốc gia còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn thành công.
Như Trung Quốc chẳng hạn, không thể nói Chính phủ Trung Quốc có nhiều chính sách cởi mở cho ngành game hơn Việt Nam. Thế nhưng họ có rất nhiều công ty, nhiều tựa game nổi tiếng thế giới mang về nhiều tỉ USD cho Trung Quốc.
Như vậy có thể thấy vấn đề không nằm ở các chính sách của Chính phủ mà ở chính năng lực và tư duy của các studio game Việt Nam. Game là một ngành giải trí, nếu làm được một sản phẩm thành công được người chơi yêu thích, doanh thu sẽ rất lớn và siêu lợi nhuận bất chấp mọi mức thuế của Chính phủ. Nhưng để có thể thành công trên quốc tế, sản phẩm của bạn phải thật sáng tạo, có nhiều sự đột phá và chất lượng phải thật tốt.
Sau nhiều năm làm việc trong ngành này ở Việt Nam, tôi thấy người Việt Nam hội đủ các tố chất cần thiết để có thể tạo ra những sản phẩm như thế. Tất nhiên, chúng ta phải có tư duy "think different, think big" (nghĩ khác, làm lớn), dám liều và kiên trì.
Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng không cần phải đầu tư hàng chục triệu USD với đội ngũ cả trăm người làm trong vòng mấy năm trời để tạo ra một sản phẩm AAA mới có cơ hội thành công.
Chúng ta vẫn có thể tạo ra những tựa game nổi tiếng thế giới, doanh thu cả vài chục triệu USD/tháng với một đội ngũ chỉ cần 20 người và làm trong vòng tầm sáu tháng. Mấu chốt vấn đề là cách tư duy và năng lực sáng tạo. Nếu có một ý tưởng và bản kế hoạch tốt, không khó để đi kêu gọi vốn phát triển và khi sản phẩm đã ra mắt thị trường và có chỉ số đủ tốt cũng không khó để kêu gọi thêm một khoản ngân sách lớn hơn để mở rộng.
Điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần là tập trung nhiều hơn cho việc sáng tạo và tạo ra sản phẩm chất lượng, thứ luôn là cốt lõi của ngành game.
Nếu trước kia Việt Nam chủ yếu đi mua game của nước ngoài về phát hành, kinh doanh thì gần đây nhiều doanh nghiệp đã nổi lên rất mạnh, từ khâu phát triển, phát hành và kinh doanh game.