Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trả lời chất vấn chiều 15/8 |
Ngành nông nghiệp đối mặt với "ba chữ biến"
Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, thời gian qua, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo được sự quan tâm của người dân, báo chí, cũng như ĐBQH, bà con nông dân và doanh nghiệp... Bộ trưởng hiểu rằng các nội dung này không chỉ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, mà "mỗi tin tức về giá cả, tin tức về giá lúa gạo là nỗi thấp thỏm, lo âu, niềm vui, sự phấn khởi của nông dân".
Nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn và ngành nông nghiệp đang đối mặt với "ba chữ biến”: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững. Từ các thực tiễn này, ngành kiên trì thực hiện chiến lược tổng thể trong dài hạn, vừa linh hoạt xử lý tình huống, quản trị đồng bộ trong ngắn hạn.
Về vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh giá gạo liên tiếp tăng cao, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực, đồng thời cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quán triệt để thực hiện tốt Công điện này.
Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long có đến khoảng 300 ngày trong năm thực hiện xuống giống, do đặc thù xuống theo con nước, nước rút tới đâu xuống giống tới đó, chỉ khoảng 95 ngày là có lúa. “Nếu không có gì biến động, tác động thiên tai như những năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu”, ông khẳng định.
Bất ngờ vì thu nhập của người trồng điều
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT xót xa khi thu nhập người trồng điều quá thấp (Ảnh minh họa) |
Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết, trồng và sản xuất hạt điều là một trong những mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên thời gian qua, vị trí ngành điều của nước ta đang bị lung lay trên thị trường thế giới…
Các doanh nghiệp trồng và sản xuất điều lớn trong nước hiện đang có xu hướng tăng nhập khẩu. Vị trí dẫn dầu trong ngành điều của nước ta trên thế giới, cũng như thương hiệu điều Việt Nam đang bị ảnh hưởng… ĐB đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp để ngành điều nước ta phát triển bền vững trong thời gian tới?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, ông bất ngờ khi thăm một vườn trồng điều, thu nhập của bà con chỉ 40 triệu đồng/năm. “Tôi cứ ngỡ rằng ngành trồng lúa Đồng bằng Sông Cửu Long đã thấp nhất rồi nhưng thu nhập của người trồng điều còn thấp hơn”, ông xót xa.
Bộ trưởng chia sẻ với người trồng điều ở Bình Phước, nhiều người chặt bỏ điều chuyển sang trồng sầu riêng. Có thời điểm, Việt Nam mong muốn và hào hứng Bình Phước sẽ trở thành thủ phủ của cây điều và đứng đầu thế giới về điều. Nhưng bối cảnh hiện nay đã thay đổi, trước kia Việt Nam nhập điều thô từ các quốc gia Tây Phi nhưng hiện các quốc gia này bắt đầu tăng cường chế biến và xuất khẩu điều thô. Điều sản xuất trong nước để chế biến xuất khẩu chỉ chiếm 20-30%, điều này đặt ra yêu cầu tái cấu trúc ngành điều Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay đang thí điểm trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều ở Bình Phước, nghĩa là một mảnh đất tích hợp đa giá trị, chỉ khi ấy người nông dân mới có thể giữ cây điều. Bộ cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, trong đó điều cũng là một dạng rừng, để tạo ra sinh kế nhiều hơn, ngoài nguồn thu hoạch từ điều.
Minh Quang