Mua gom ồ ạt, giá gạo tăng cao bất hợp lý
Nêu vấn đề chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đại biểu (ĐB) Lê Thị Song An (đoàn Long An) phản ánh thời gian gần đây giá lúa gạo liên tục tăng nên một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này lên cao bất hợp lý. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể, hữu hiệu để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", bà An chất vấn.
Hồi đáp ĐB, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng một số nước cấm xuất khẩu gạo, giá lúa gạo tăng đem lại cho chúng ta cơ hội. Dẫn công điện của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, ông Hoan nêu rõ ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực. Bên cạnh đó, cũng không gây sốc cho thị trường nội địa hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước.
Ông Hoan lưu ý giá nông sản, trong đó có giá lúa gạo được quyết định bởi cung - cầu. Ông Hoan mong bà con nông dân, doanh nghiệp lúc này phải tôn trọng nhau, chia sẻ thời cơ và phải hướng tới hợp tác lâu dài.
Về an ninh lương thực, ở thời điểm này, nếu không có thiên tai, biến đổi khí hậu không bất thường như vài năm qua thì gạo vẫn đảm bảo tiêu dùng trong nước và 7 - 8 triệu tấn gạo để xuất khẩu. "Năm ngoái, xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, năm nay vẫn còn dư địa cho xuất khẩu", ông Hoan nói.
ĐB Nguyễn Thanh Phong (đoàn Vĩnh Long) phản ánh tình trạng giá nông sản rớt thê thảm ảnh hưởng đời sống người dân và hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì cứu nông sản cho ĐBSCL. Cũng liên quan vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đặt vấn đề VN là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người nông dân trồng lúa có cuộc sống nghèo và rất nghèo. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cho vấn đề này.
Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết theo khảo sát, nông nghiệp là ngành thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế và người trồng lúa cũng là người có thu nhập thấp nhất trong ngành nông nghiệp. "Hiện nay, giá gạo tăng hằng ngày, đây là thời cơ cải thiện thu nhập rất lớn cho người nông dân", ông Hoan nói.
Ông Hoan nhắc lại chia sẻ của một nông dân nói rằng, nếu giá lúa cao, thu nhập ổn định thì nông dân miền Tây sẵn sàng đem mùng ra ngoài đồng giữ lúa cho Nhà nước, đảm bảo an ninh lương thực, còn nếu giá thấp sẽ bỏ ruộng. "Đó là điều ám ảnh tâm trí tôi, làm sao cải thiện thu nhập của người nông dân trồng lúa", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Hoan, Bộ trưởng không đi giải cứu và cũng không nên dùng từ giải cứu nông sản nữa vì nói hàng nông sản giải cứu thì nông sản càng rớt giá. "Cần tư duy lại vấn đề này", ông Hoan nói và cho rằng nếu không cấu trúc lại ngành hàng, không đưa được nông dân vào hình thức hợp tác nào đó thì sẽ không bao giờ thành công trong việc hóa giải "lời nguyền" được mùa, mất giá.
Có tình trạng ngại không làm thì đổ lỗi cho pháp luật
Trước đó, sáng cùng ngày, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, ĐB Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm trong tham mưu xây dựng thể chế, pháp luật.
Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định tình trạng sợ trách nhiệm là có. Thực tế một số trường hợp không làm được hoặc ngại không làm thì đổ lỗi cho hệ thống pháp luật. "Một số báo cáo rà soát cũng đưa ra một số kiến nghị nói rằng pháp luật vướng mắc, nhưng thực tế nghiên cứu kỹ thì rất nhiều cái không phải như vậy. Hoặc một số nơi có xu hướng giải thích pháp luật theo hướng tiện cho mình. Hoặc hiểu áp dụng pháp luật chưa thống nhất, có tình trạng hành chính hóa", ông Long nhấn mạnh.
Thừa nhận "tuổi thọ" các văn bản pháp luật thấp, vẫn còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, tuy nhiên lãnh đạo Bộ Tư pháp cho hay Bộ Tư pháp không phải tự động kiểm tra tất cả văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ, ngành, địa phương tự kiểm tra. Bộ Tư pháp chỉ nhập cuộc theo thẩm quyền hoặc giúp Thủ tướng, Chính phủ.
Ông Long cũng nhấn mạnh, nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật cả nhân lực, tài lực còn nhiều bất cập. Theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, đến bây giờ mới có 8/28 bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; 20/28 bộ còn lại là thứ trưởng phụ trách. Về kinh phí, hiện nay một luật được cấp kinh phí 2 tỉ đồng; nghị định được 90 triệu đồng, trước đây là 60 triệu đồng; thông tư thì được 4,5 triệu đồng. Theo ông Long, mức kinh phí này là "rất thấp" nhưng đã tăng gấp đôi hoặc gấp rưỡi so với trước và khó tăng thêm.
Bao giờ gỡ được "thẻ vàng"?
Tại phiên chất vấn, nhiều ĐB chất vấn giải pháp của Bộ NN-PTNT để gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản VN.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, EC nói các thể chế của VN từ T.Ư rất quyết tâm, họ hoàn toàn tin tưởng, nhưng không tin tưởng về việc thực thi cấp địa phương. Đây là khó khăn lớn nhất để gỡ "thẻ vàng" của EC đối với thủy sản.
Dẫn số liệu cho hay gần 60% trường hợp vi phạm, các địa phương vẫn chưa xử lý, ông Hoan nhấn mạnh đã đến lúc không xử lý việc này thì không thể gỡ được "thẻ vàng".